Đại đoàn kết để xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc

Thực tế 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa 9 cho thấy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố.

 

"Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá 9 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", là nội dung được Hội nghị Ban Bấp hành Trung ương lần thứ 8 cho ý kiến.

Thực tế 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa 9 cho thấy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng nhìn nhận những mặt hạn chế, đặt ra yêu cầu tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Ngoài những giờ học trên lớp, thanh thiếu niên ở thôn Song Hoành, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thỏa sức khám phá với nhiều hoạt động tại "Ngôi nhà trí tuệ" như: đọc sách, luyện viết chữ và sôi nổi các hoạt động của Câu lạc bộ tiếng Anh. Không chỉ trẻ nhỏ mà người cao tuổi, hội phụ nữ cũng tập hợp nhau tham gia CLB dưỡng sinh, CLB bóng chuyền hơi, CLB dân vũ...

Mô hình Ngôi nhà trí tuệ tại Hà Tĩnh.

Mô hình "Ngôi nhà trí tuệ" tích hợp trong "Nhà văn hóa cộng đồng" đã và đang khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong việc làm thay đổi thiết chế văn hóa cơ sở, là nơi để phát triển con người theo hướng hiện đại. Nơi đây còn là địa điểm họp bàn công việc, từ đó cấp ủy, chính quyền đưa ra các quyết sách trên cơ sở nguyện vọng, phù hợp lòng dân.

Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh, mô hình "Ngôi nhà trí tuệ" bản chất là mô hình đại đoàn kết, là một ngôi nhà chung để tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giúp người dân yêu thương lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm, cộng đồng ngày càng được gắn chặt. Thậm chí các buổi sinh hoạt về mặt tư tưởng trong cộng đồng dân cư cũng được triển khai một cách khéo léo trong mô hình này. Qua đó tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Từ đó, không khí trong xóm làng vui tươi, hòa thuận, thắm đượm tình làng nghĩa xóm, thắt chặt được khối đại đoàn kết ngay từ khu dân cư.

Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh.

Mô hình "Ngôi nhà trí tuệ" tích hợp trong "Nhà văn hóa cộng đồng" chỉ là 1 trong số hàng nghìn mô hình đại đoàn kết trên toàn quốc. Từ những mô hình cho thấy, mọi quyết sách, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải thật sự xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thực tế sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa 9 cho thấy, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, khu vực còn lớn. Ở một số nơi, cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" chưa cụ thể hoá kịp thời. Quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ ở cơ sở có lúc, có nơi còn vi phạm, dẫn đến có câu chuyện người dân thấy, người dân biết nhưng không muốn nói hoặc không dám phản biện.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phân tích: Cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên ở nhiều nơi chưa thực sự tôn trọng, chưa thực sự lắng nghe ý kiến của nhân dân; thậm chí là chưa thực sự tin tưởng và dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

"Nhiều khi việc hỏi ý kiến nhân dân, tham khảo ý kiến nhân dân chỉ là hình thức. Cũng có một điều này, điều khác, nguyên nhân này nguyên nhân khác dẫn đến việc dân cũng không dám nói lên tiếng nói của mình trong việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng"- ông Phúc nêu quan điểm.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

Để phát huy hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, một trong những giải pháp đặt ra là tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: "Trước hết, tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết trở thành sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện tất cả các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời với những chức năng và nhiệm vụ như giám sát, phản biện xã hội thì Mặt trận cố gắng đổi mới, cải tiến để giám sát, phản biện thực chất hơn, có hiệu lực và hiệu quả, cần phải chú trọng để làm tốt hơn vai trò đó".

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là đường lối chiến lược của Đảng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XIII của Đảng xác định: "Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc".

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sức mạnh dân tộc càng cần phải gắn kết chặt chẽ với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc: "Đảng đề cao vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc nhưng trong thực tế thì cần phải có chính sách và cụ thể hóa hơn đối với nhiệm vụ của Mặt trận trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy được sự năng động, sáng tạo. Tuy nhiên, những cơ chế để đảm bảo tốt hơn cho cán bộ Mặt trận và cho hệ thống Mặt trận làm tốt chức năng của mình còn hơi thiếu vắng".

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc; chăm lo bồi đắp, bảo vệ, gìn giữ khối đại đoàn kết là trách nhiệm của hệ thống chính trị và của mỗi người dân. Đảm bảo người dân là trung tâm của mọi chủ trương, chính sách; bảo đảm sự công bằng, bình đẳng của mỗi người dân trong tiếp cận nguồn lực, cơ hội phát triển, đóng góp và thụ hưởng thành quả của sự phát triển./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận