Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm", là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị định 73/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vừa được Chính phủ ban hành.
Đây là cơ sở cởi "nút thắt" cho sự năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ các cơ quan hành chính hiện nay.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhìn nhận việc Chính phủ ban hành Nghị định 73 là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, cụ thể là Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Ông Nguyễn Túc nhắc lại bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (sáng 2/10), trong đó nêu rõ: "Một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền…". Người đứng đầu Đảng xác định đây là một trong những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt.
"Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm", ông Nguyễn Túc nhấn mạnh và nêu rõ, từ khi phát động chiến dịch "đốt lò" phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Rất nhiều cán bộ từ Trung ương đến địa phương đã "tra tay vào còng", trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đang đương chức hoặc đã "hạ cánh". Điều này nhận được sự ủng hộ tích cực trong Nhân dân.
Tuy nhiên, khi công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở giai đoạn cao trào thì nhiều nơi, nhiều cấp ngành, nhiều địa phương lộ ra tình trạng một bộ phận cán bộ sợ sai, không dám quyết, không dám làm, đẩy "quả bóng" trách nhiệm sang cho người khác hoặc bộ phận, cơ quan, đơn vị khác.
Điều này dẫn đến sự trì trệ trong quản lý, điều hành, cán bộ làm việc cầm chừng, không dám đổi mới, sáng tạo… làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sợ trách nhiệm khiến cán bộ, đảng viên trở thành người vô trách nhiệm với tư tưởng "làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm không sai". Rất nhiều cán bộ năng động, sáng tạo nhưng không dám đột phá, thực hiện vì sợ sai.
Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hoà (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng việc Chính phủ ban hành nghị định thể hiện sự kịp thời khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên mạnh dạn đề xuất, thí điểm tháo gỡ những tồn đọng kéo dài và nhiều vấn đề phức tạp mà sự nghiệp phát triển đất nước đang đặt ra.
Vị ĐBQH Đồng Tháp nhận định, Nghị định cũng là cơ sở để đấu tranh với tư tưởng sợ mất lòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc, không dám đấu tranh phê phán cái sai, cái xấu.
"Nghị định 73 là cẩm nang, khiên sắt, bức tường vững chắc bảo vệ cán bộ, đảng viên khi họ làm những việc có lợi cho dân, cho nước với tinh thần trách nhiệm, khách quan, công tâm, nêu gương", ông Phạm Văn Hoà đánh giá.
Ông Phạm Văn Hoà phân tích Nghị định 73 quy định rõ đối tượng, nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; việc khuyến khích cán bộ phải được thực hiện kịp thời, công khai, dân chủ.
Nghị định cũng quy định những điều cơ quan, tổ chức, cán bộ, cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách để bao che cho tham nhũng, tiêu cực…
"Cùng đó là các chính sách khuyến khích cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo được quy định rất rõ như: được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; được lấy làm căn cứ để đánh giá trước khi xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển; được xét nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng…", vị ĐBQH Đồng Tháp nói.
Người đứng đầu giữ vai trò quan trọng
Một lần nữa khẳng định việc ban hành Nghị định là rất cần thiết, song ông Nguyễn Túc cho rằng cần phải có những việc làm rất cụ thể để chứng minh cho việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thay vì cứ hô hào, nói chung chung.
"Thực tế, trước đây có rất nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm đã bị làm khó, thậm chí cũng bị xử lý nhưng sau đó đã có các cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu nhận ra đấy là việc có lợi cho mục tiêu chung nên có biện pháp, hành động cụ thể để bảo vệ, khuyến khích", ông Nguyễn Túc nói.
Ông Nguyễn Túc kể năm 2005, Thành ủy Cần Thơ ra chỉ đạo chuyển toàn bộ đất của 2 nông trường Cờ Đỏ và Sông Hậu sang đất công nghiệp. Là lãnh đạo của Nông trường Sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương tỏ ý không tán thành chỉ đạo này.
Ngày 5/8/2008, khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư cho Thành ủy Cần Thơ về việc không tán thành chủ trương của Thành ủy. Do áp lực dư luận, Thành ủy Cần Thơ buộc phải ngưng thực hiện chỉ đạo này.
"Sau đó bà Sương bị khép tội làm sai chủ trương, tước đoạt đất sản xuất của nông dân, quản lý tài chính lỏng lẻo… Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có công văn gửi Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao, nêu quan điểm đề nghị đình chỉ vụ án. Vụ án sau đó được đình chỉ. Năm 2012, bà Sương đã được khôi phục sinh hoạt Đảng", ông Nguyễn Túc kể lại.
Một câu chuyện khác cũng được ông Nguyễn Túc nhắc đến là trường hợp ông Vũ Ngọc Hải - cựu Bộ trưởng Năng Lượng - đang chịu án tù nhưng vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm, trao tặng chiếc huy hiệu đường dây 500 KV mà anh em ngành điện tặng. Đó là minh chứng cho thấy tấm lòng, hành động quyết liệt bảo vệ cán bộ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
"Khi ông Hải vào tù, tôi là người đầu tiên vào thăm. Sau đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thăm và đeo huy hiệu đường dây 500 KV ghi nhận công lao của ông Hải… Khi có những việc làm cụ thể, thưởng phạt phân minh thì tất yếu sẽ tác động đến cán bộ, để họ dám nghĩ, dám làm, không lo sợ", ông Nguyễn Túc nói.
Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ quan điểm, quan trọng là phải chuyển hóa Nghị định 73 thành các điều, khoản cụ thể trong quy chế làm việc và quy trình công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu.
"Khuyến khích, bảo vệ như thế nào để cán bộ không sợ sai, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo thì phụ thuộc rất nhiều vào cách làm của người đứng đầu", ông Thang Văn Phúc nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ dẫn điều 8 của nghị định về trình tự, thủ tục phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo: "Đối với đề xuất đổi mới, sáng tạo, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch đề xuất, người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ chủ trì họp tập thể lãnh đạo để xem xét, thảo luận, biểu quyết về việc thực hiện đề xuất. Đề xuất được thông qua khi đạt tỷ lệ trên 50% ý kiến biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà người đứng đầu biểu quyết...".
Ông Phúc nêu rõ, Nghị định ban hành với những điều khoản đã sáng, đã rõ nhưng quan trọng vẫn là người đứng đầu các cấp dám chịu trách nhiệm về những đề xuất, việc làm của cán bộ cấp dưới.
"Anh phải là người xác minh xem việc làm của cán bộ, công chức vì động cơ cá nhân hay vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. Trong phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, 9 người thì 10 ý, xác định ý kiến nào đúng không đơn giản.
Vậy nên ý kiến của người đứng đầu là ý kiến quan trọng để đánh giá, giúp đỡ cán bộ, công chức phát huy được năng lực trí tuệ", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói thêm.
ANH VĂN/VTC.VN