Hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và 129 năm ngày sinh của Người, ngày 6/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh đã long trọng tổ chức ra mắt cuốn sách “Tiểu sử Hồ Chí Minh” của Bảo tàng Hồ Chí Minh được dịch sang tiếng Bengal từ bản tiếng Anh, do Nhà xuất bản Thế giới phát hành.
Buổi lễ có sự tham dự của các nghị sỹ, Chủ tịch Đảng Công nhân, Lãnh đạo Đảng Cộng sản cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Bangladesh, từ các nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà báo cho tới các doanh nhân, văn nghệ sỹ và sinh viên.
Nhiều người trong số họ chưa từng đến Việt Nam và chỉ biết đến Việt Nam qua những thước phim tài liệu, những bức ảnh, những bài báo về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, nhưng mỗi khi nhắc đến Việt Nam, họ đều thể hiện sự ngưỡng mộ và dành những tình cảm trân trọng nhất đối với vị Cha già của Dân tộc Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, sau thành công của việc dịch và xuất bản cuốn sách “Bác Hồ viết Di chúc” của tác giả Vũ Kỳ sang tiếng Bengal vào năm 2017, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh tiếp tục phối hợp với Viện Nawab Salimullah dịch cuốn sách “Tiểu sử Hồ Chí Minh” nhằm đáp ứng nhu cầu của ngày càng nhiều độc giả Bangladesh muốn được hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, Đại sứ Trần Văn Khoa trân trọng cảm ơn tình cảm tốt đẹp mà nhân dân Bangladesh dành cho đất nước, con người Việt Nam nói chung và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, đồng thời nhấn mạnh những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử, đặc biệt là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân hai nước.
Đại sứ cho rằng những hoạt động giao lưu nhân dân, trong đó có việc dịch sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Bengal thời gian qua đã giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, qua đó vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống ngày càng phát triển.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách, Đại sứ Trần Văn Khoa đã trao tặng Bằng khen của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho ông Muhammad Abdul Jabbar, Chủ tịch Viện Nawab Salimullah và tập thể Viện vì đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Nhà báo Abdul Mozid, dịch giả cuốn sách "Tiểu sử Hồ Chí Minh" tiếng Bengal chia sẻ động lực mạnh mẽ thôi thúc ông dịch cuốn sách này sang tiếng Bengal là nhằm tạo cơ hội cho nhiều người dân Bangladesh thuộc mọi tầng lớp và trình độ có thể dễ dàng tiếp cận cuốn sách, qua đó hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Cá nhân ông thật sự ngưỡng mộ cuộc đời bình dị của Hồ Chủ tịch. Ông cho biết là một nhà báo, thông qua cuốn sách, ông cũng học hỏi được nhiều từ phong cách làm báo và cách viết báo của Người.
Điều đáng nói là sự ngưỡng mộ và tình cảm tốt đẹp đó không chỉ đến từ những người lớn tuổi - thế hệ đã trực tiếp xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, mà còn lan tỏa tới các bạn trẻ.
Chị Pooja Sengupta, Giám đốc Nghệ thuật, Nhà hát Vũ kịch Turongomi bày tỏ cảm thấy thật may mắn và tự hào vì đã thực hiện được ước mơ hồi nhỏ của mình, là được đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Từ chuyến thăm đó, chị nảy ra ý tưởng dàn dựng một tiết mục nghệ thuật đương đại kết hợp giữa múa và kịch mang tên “Người kiến tạo dân tộc” nhằm ca ngợi và cổ vũ tư tưởng tiến bộ về giải phóng dân tộc và giải phóng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, cũng như của các vị lãnh tụ nổi tiếng khác trên thế giới. Chị hy vọng thông điệp đó sẽ truyền ngọn lửa nhiệt huyết, thôi thúc các bạn trẻ xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Hình ảnh những người dân Bangladesh chăm chú đọc cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của Người; những ánh mắt, lời nói tràn đầy sự ngưỡng mộ và trân trọng cuộc đời bình dị nhưng vĩ đại của Người là minh chứng rõ nét cho sự lan tỏa mạnh mẽ của Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Vượt qua mọi khác biệt về ngôn ngữ, cũng như những khoảng cách về thời gian, địa lý, tình cảm và sự trân trọng đó đã trở thành động lực, là sợi dây gắn kết chặt chẽ người dân hai nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai./.
Theo vov.vn
.