Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2023. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận về: đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có hiệu lực pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Chính phủ đã tập trung, dành nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều đổi mới để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững. Kết quả bước đầu tương đối tích cực, với mục tiêu bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục, giảm xin – cho, giảm chi phí tuân thủ, chống sách nhiễu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền cho cấp nào thực hiện tốt nhất đi cùng phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra; rà soát xem nội dung nào giữ lại, nội dung cần hoàn thiện, bổ sung, nội dung nào cần bãi bỏ.
Thủ tướng cho rằng, các nội dung của phiên họp này đều là những nội dung quan trọng; các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.
Tại phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận về: đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có hiệu lực pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, qua 5 năm triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số quy định bất cập, không phù hợp, chưa đáp ứng được với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc sửa đổi Luật nêu trên là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phát biểu về luật này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những vấn đề cần phải tiếp thu, chỉnh lý nhất là về nguyên tắc, yêu cầu xây dựng Luật Thủ tướng yêu cầu, thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân.
Cần tiếp tục tổng kết Luật và các quy định có liên quan về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.
Rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Bộ luật Hình sự, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đầu tư và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan…; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát vì đây là lĩnh vực nhạy cảm; Cần đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, khả thi, hiệu quả.
Cùng với đó hạn chế các điều kiện kinh doanh không cần thiết, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam. Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu cho rằng, quảng cáo là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 10 năm thi hành, một số quy định không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh, sửa đổi; một số hoạt động phát sinh cần bổ sung quy định như quảng cáo trên môi trường mạng; dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới…; một số quy định còn bất cập như quản lý quảng cáo ngoài trời…; một số quy định trong lĩnh vực quảng cáo và có liên quan còn trùng lắp, mâu thuẫn. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật nêu trên là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất để phát triển hoạt động quảng cáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên môi trường mạng và các nền tảng xuyên biên giới; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách và cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo.
Về nội dung này, Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh các nguyên tắc, yêu cầu chung, cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực quảng cáo gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả các ngành công nghiệp về quảng cáo, văn hóa và dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Chính phủ đối với việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thi hành Luật Quảng cáo năm 2012: rà soát, xác định rõ các quy định còn phù hợp để kế thừa, các quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển hoạt động này trong điều kiện hiện nay cần phải hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với đặc điểm về chính trị và điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tính khả thi của các chính sách mới.
Hồ sơ Đề nghị xây dựng phải thống kê làm rõ các quy định sẽ bãi bỏ, các quy định giữ nguyên hoặc có sửa đổi, bổ sung; thuyết minh rõ lý do kế thừa, lý do sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc cần ban hành mới. Tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý nhà nước về quảng cáo; đẩy mạnh cải cách và cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; đồng thời phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tích cực tham vấn các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định về thủ tục hành chính quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình … (điều kiện, hồ sơ, …) bảo đảm khả thi, đơn giản, thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan.
Về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, cơ quan trong việc xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết. Khối lượng công việc rất lớn, nội dung khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có tính ổn định cao, nhiều văn bản cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ rõ, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để, chưa bảo đảm được nguyên tắc văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh. Thủ tướng giao VPCP: Chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó cần: đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành; đề cao vai trò của các Phó Thủ tướng, nhất là trong việc xử lý những vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa các bộ, cơ quan …
Tăng cường tổ chức các phiên họp chuyên đề để xử lý các văn bản nợ đọng nhằm chấm dứt tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành VBQPPL (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) để rút ngắn thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu ban hành chính sách kịp thời, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải chủ trì việc xây dựng pháp luật.
Tạo điều kiện tăng biên chế có chất lượng, đảm bảo khối lượng công việc và đầu tư công sức, chi phí cho công việc này. Đồng thời có cơ chế phối hợp với nhịp nhàng chặt chẽ với Quốc hội, cùng với đó lắng nghe ý kiến nhân dân, đặc biệt là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp.
Vũ Khuyên/VOV