Chủ tịch Quốc hội: Quan hệ Việt Nam - Bulgaria vẫn vẹn nguyên và tỏa sáng

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam và Bulgaria đã luôn sát cánh bên nhau trong lịch sử và ngày nay mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.

 

Tối 25/9, theo giờ Việt Nam, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bulgaria, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia trước các học giả, giáo sư, giảng viên và sinh viên.

Ước mơ cháy bỏng của mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới

Trước hàng trăm sinh viên, các nhà nghiên cứu, học giả, các thầy giáo, cô giáo của trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động khi được sống lại với những cảm xúc từ khi còn là giảng viên đại học. Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu dài hơn 30 phút nói về tình hình thế giới, khu vực và mối quan hệ tốt đẹp của hai nước Việt Nam - Bulgaria, sự vươn lên của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; đồng thời trả lời các câu hỏi mà các sinh viên, nhà nghiên cứu quan tâm.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thế giới chưa bao giờ bước vào thời kỳ thay đổi nhanh chóng, sâu sắc và phức tạp như hiện nay, nhưng hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chính.

Một thế giới không có chiến tranh, nhân loại không còn đói nghèo là nguyện vọng và ước mơ cháy bỏng của mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới. Đó là mẫu số chung cho mọi quan hệ hợp tác song phương và đa phương ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Chính vì vậy, Việt Nam ủng hộ giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, khu vực Trung Đông Âu đóng một vai trò rất quan trọng, là cửa ngõ, cầu nối để Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU). Việt Nam ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với các quốc gia trong khu vực, trong đó Bulgaria là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu.

Việt Nam và Bulgaria đã luôn sát cánh bên nhau trong lịch sử và ngày nay mối quan hệ hữu nghị truyền thống với bề dày lịch sử hơn 70 năm đã và đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Với hành trang là một lịch sử quan hệ hữu nghị, hợp tác chân thành, hiệu quả, hướng tới nâng quan hệ lên tầm cao mới, Chủ tịch Quốc hội đã nêu 4 vấn đề lớn mà hai nước cần hợp tác lớn trong thời gian tới đây.

Hai nước cần đẩy mạnh hợp tác song phương, trong đó làm sâu sắc quan hệ chính trị - ngoại giao. Đẩy mạnh tin cậy chính trị giữa hai nước, tăng cường hiệu quả hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Quốc hội hai nước trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh việc xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao vai trò của Quốc hội và cơ quan dân cử.

Bên cạnh hợp tác song phương, các cơ quan lập pháp của hai nước cần đẩy mạnh hợp tác, trao đổi quan điểm, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Đối tác nghị viện Á-Âu (ASEP).

Theo Chủ tịch Quốc hội, hai bên cần mở rộng hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương có nét đặc thù và tương đồng về kinh tế, xã hội nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác, kết nghĩa trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh để thu hút đầu tư, thương mại và phát triển du lịch.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hai bên cần kết nối hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; nắm bắt những cơ hội to lớn từ các xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo… đang mang đến. Theo đó, phải đẩy nhanh các sáng kiến liên kết, hợp tác kinh tế mới ở các cấp độ khu vực và toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực thúc đẩy xây dựng hình thái toàn cầu mới công bằng, bền vững hơn đối với tất cả các nước, các nền kinh tế.

Một vấn đề nữa mà hai nước cần quan tâm đó là đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực truyền thống như: giáo dục đào tạo; văn hóa; hợp tác lao động, đây sẽ là cơ sở để hai bên có thể tạo bước đột phá hợp tác trong lĩnh vực này.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa khẳng định, trong hơn 70 năm qua vượt qua bao thách thức to lớn và những biến động khó lường của lịch sử, các thế hệ đi trước đã không ngừng dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam và Bulgaria đạt nhiều thành quả đáng tự hào, tạo tiền đề, nền móng vững chắc để mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong những thập kỷ tiếp theo.

"Thay cho lời kết để nói lên tình cảm sâu đậm giữa hai nước chúng ta, tôi nghĩ không lời nào có thể sánh bằng những vần thơ sâu sắc và nhân văn do Phó Tổng thống kiêm nữ văn sĩ Blaga Dimitrova đã viết và xuất bản vào năm 1969 sau nhiều lần bà đến thăm Việt Nam giữa khói lửa của cuộc chiến tranh ác liệt. “Tôi là khách đến thăm nhà. Khi bạn nhà mình gianh tre đang cháy. Bạn đón tiếp tôi. Một tay gạt lệ. Tay nữa nắm chặt tay tôi”. Hình ảnh đầy xúc động đó mãi mãi lắng đọng trong tim chúng ta như một biểu tượng tuyệt vời của tình đoàn kết, anh em gắn bó thủy chung giữa Việt Nam - Bulgaria, dẫu thời cuộc đổi thay, vẫn vẹn nguyên và tỏa sáng", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các học giả, giáo sư, giảng viên và sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc tế và quốc gia Sofia.Làm mới hợp tác truyền thống, đi sâu lĩnh vực có thế mạnh

Sau bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các sinh viên, khách mời đã đặt câu hỏi Chủ tịch Quốc hội. Trả lời câu hỏi, làm thế nào mà Việt Nam vượt được qua khó khăn để đạt được thành công như ngày nay và trở thành nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi quốc gia đều có con đường và cách thức khác nhau. Với Việt Nam, trong tất cả các quyết sách của Quốc hội và Chính phủ đều phải đặt người dân ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách.

"Việt Nam có câu là “dân là gốc”. Một trong những danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam là Nguyễn Trãi đã từng nói “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Do đó, tư tưởng dân là gốc là một trong những tư tưởng mà đã thấm nhuần trong quá trình xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật của Việt Nam. Chúng tôi coi sự tham gia của người dân trong công cuộc đổi mới vừa là động lực vừa là mục tiêu. Nếu không tham gia của người dân thì sự nghiệp đổi mới không thể thành công, bản thân sự nghiệp đổi mới cũng không có ý nghĩa gì nếu những thành quả của đổi mới mà người dân không được hưởng", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Với câu hỏi, cơ sở nào để hai nước tăng cường hợp tác, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên nền tảng đầu tiên đó là, trở lại với hơn 70 năm về trước, Bulgaria là 1 trong 10 nước trên thế giới thiết lập quan hệ hợp tác ngoại giao với Việt Nam và 30.000 người Việt Nam đang học tập sinh sống tại Bulgaria là tài sản đáng quý. Mỗi người từng học ở đây đều truyền cảm hứng cho những người khác về đất nước, con người của Bulgaria. Cuối cùng là dựa trên địa chính trị và tầm quan trọng của mỗi nước trong khu vực.

Trên cơ sở đó, hai nước đã có những mối quan hệ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tại chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội cùng các nhà lãnh đạo của Bulgaria đã nhấn mạnh, hai bên sẽ làm mới những quan hệ hợp tác truyền thống, đi sâu vào những lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh như chuyển đổi số, văn hóa, du lịch, giáo dục, lao động.

Tại đây, các sinh viên, nhà nghiên cứu cũng đã cho rằng, họ đã được tham dự một buổi nói chuyện chính sách đầy thú vị, đồng thời có nhiều thông tin bổ ích về đất nước và con người Việt Nam.

Lê Tuyết/VOV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận