Chủ tịch Quốc hội nêu 3 câu hỏi lớn về kinh tế - xã hội cần giải đáp

Cho rằng nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản vững vàng trước 'những cơn gió ngược' song CTQH nhấn mạnh đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách.

 

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” chính thức khai mạc sáng nay, 19/9, với sự tham dự của các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Dự khai mạc còn có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Ngoài hơn 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), diễn đàn còn kết nối với một số điểm cầu của các học viện, trường đại học, diễn giả, nhà khoa học.

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

“Bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, năm 2021, các quốc gia đã trải qua nhiều biến động với sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19 để lại nhiều “di chứng” nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và những hệ quả khôn lường, không đo, đong đếm được.

Trong bối cảnh ấy, trên cơ sở kết quả của Diễn đàn Kinh tế 2021, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nhận diện rõ thực trạng, dự báo các nguy cơ và kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với các Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo nên động lực, củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để hiện thực hóa những chủ trương, đường lối sáng suốt của Đảng, góp phần đưa Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất trong hơn 10 năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022.

Nhiều đề xuất, gợi mở chính sách tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 đã được nghiên cứu, chọn lọc kịp thời trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó lấy trọng tâm xuyên suốt năm 2023 hướng tới “củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế”, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến’’ để ứng với “vạn biến’’ của tình hình kinh tế quốc tế và là “chìa khóa” quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của người dân.

Việt Nam cơ bản vững vàng trước “những cơn gió ngược”

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong khó khăn chung của thế giới và khu vực, từ Quý IV năm 2022, các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam… có xu hướng chậm lại khi các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của nước ta bị thu hẹp, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

“Chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện” - ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam cơ bản vững vàng trước “những cơn gió ngược”.

Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Các cân đối lớn được bảo đảm, tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách đều dưới ngưỡng Quốc hội cho phép; nợ xấu được kiểm soát, tỷ giá khá ổn định...

Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI , giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 10%, khách quốc tế dự báo sớm đạt và vượt mục tiêu cả năm (8 triệu lượt khách); một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh như Hải Phòng, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh,….

3 câu hỏi lớn cần trả lời

Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách; trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Nhiều vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài.

“Chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Việt Nam cần tập trung giải quyết các thách thức bên trong cả trước mắt, lẫn trong trung và dài hạn” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại diễn đàn hôm nay, Chủ tịch Quốc hội mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 3 câu hỏi lớn:

Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội, rủi ro, thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo?

Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào? dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025?

Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2025?

Sau khi kết thúc diễn đàn, Ban tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận