Sáng 13/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.
Tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ rất phức tạp
Báo cáo tại phiên họp, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, tình hình kinh tế xã hội sau Covid -19, đời sống đại đa số người dân lao động khó khăn. Tội phạm phát triển cả về số lượng, tính chất, phương thức hoạt động, thủ đoạn để làm sao có được nguồn thu bất chính.
Cho biết tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ rất phức tạp, Viện trưởng Lê Minh Trí thông tin, riêng cuối 2022, đầu 2023, cơ quan tố tụng thụ lý những vụ án theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực có quy mô, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ.
“Nhiều vụ án đến giờ này mới chỉ tách ra để xác định một số hành vi, vi phạm và tiếp tục phải phân tách để điều tra chứ làm hết ngay thì làm không nổi. Các vụ án này quy mô rất lớn, tài sản rất lớn, trên rất nhiều lĩnh vực” – ông Lê Minh Trí cho biết, đồng thời nhấn mạnh áp lực rất lớn bởi quy mô, tính chất vụ án và nhiều vấn đề mới.
Đề cập khó khăn, thách thức cần vượt qua, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng công tác giám định, định giá chưa cải thiện được mấy vì luật hiện nay chưa quy định thời hạn cho định giá, giám định nhưng có thời hạn điều tra nên mâu thuẫn, thậm chí trở thành “chỗ tránh né”, cơ quan tố tụng bị “bó tay” trong một số trường hợp.
Ông cũng bày tỏ, quy định pháp luật phải bảo đảm chế độ chính sách cho người làm công tác giám định, định giá nhưng đồng thời cũng phải chế tài trách nhiệm về mặt thời gian, về mặt trách nhiệm trước pháp luật đối với công việc này bởi đó là một khâu rất quan trọng trong tố tụng.
Viện trưởng cũng phân tích, nhiều vướng mắc (chiếm 70-80%) trong án hành chính liên quan đất đai và “ngày nào Luật Đất đai chưa sửa và sửa chưa đạt thì cơ sở của khởi kiện hành chính vẫn tiếp tục phức tạp”. Đó là chưa kể những khó khăn về quy định liên quan đối thoại để giải quyết khiếu kiện vì ví như “TP.HCM bảo Chủ tịch đi đối thoại thì không làm được việc gì khác”.
Viện trưởng Lê Minh Trí cũng trăn trở, cần có cơ chế để bảo vệ cán bộ trong một số trường hợp để “anh em yên tâm” làm việc.
“Vừa rồi tôi ra lệnh khởi tố một vụ án, bắt giam 5 cán bộ VKS liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ. Xử anh em thì đau lòng nhưng phải xử lý nghiêm để răn đe những người khác. Thương anh em nhưng vẫn phải làm như thế” – ông Lê Minh Trí nói, đồng thời hứa với nhiệm vụ được phân công sẽ làm hết trách nhiệm, làm tốt nhất trong khả năng, song có việc cần sự hỗ trợ về chế độ chính sách; bổ sung, điều chỉnh pháp luật cho phù hợp.
Ngăn chặn “tín dụng đen”, mua bán thông tin cá nhân
Nêu ý kiến thảo luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với đánh giá, trong bối cảnh nhiều yếu tố khó khăn, phức tạp, bất định khó lường song các cơ quan tư pháp đã đấu tranh phòng, chống tội phạm, thi hành án hiệu quả.
Bên cạnh đó, bà đề nghị báo cáo phân tích kỹ hơn nguyên nhân một số loại tội phạm gia tăng mạnh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản..., để từ đó có giải pháp phù hợp, tạo chuyển biến trên thực tế.
Cho rằng tình hình “tín dụng đen” khá nhức nhối với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, đặc biệt là gọi điện đe doạ người thân, đồng nghiệp của người vay tiền nhằm gây áp lực trả nợ đã gây mất an ninh trật tự.
Thủ tướng cũng đã có công điện giao trách nhiệm cho một số bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp ngăn chặn. Do đó, bà đề nghị các cơ quan cần có giải pháp, nhất là tạo điều kiện cho vay các khoản tiền nhỏ, vay tiêu dùng để người dân gặp khó khăn không rơi vào “bẫy” của đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.
Lưu ý quan tâm tình trạng mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều và công khai trên không gian mạng, thậm chí được phân loại để đáp ứng nhu cầu của người mua, Trưởng Ban công tác đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an có giải pháp mạnh hơn để ngăn chặn loại tội phạm này.
Cũng đề cập tình trạng trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thuỷ lưu ý, quá trình chuyển đổi số, cập nhật dữ liệu diễn ra trên phạm vi rất lớn, cơ quan chức năng yêu cầu người dân cung cấp thông tin để cập nhật, song có lúc, có nơi cách làm chưa thực sự phù hợp, dễ lộ lọt thông tin của người dân.
Do đó, bà đề nghị cần rút kinh nghiệm để tránh thông tin rơi vào tay những người có dụng ý không tốt và sử dụng vào hoạt động bất hợp pháp.
Hiếu Minh/VOV.VN