Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo một số bộ, ngành. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước yêu cầu Học viện tiếp tục đổi mới có tính đột phá về chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Diễn văn tại lễ khai giảng, Thượng tướng, PGS.TS Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết, thời gian qua, để nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, Học viện đã chủ động xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình huấn luyện - đào tạo; tích cực đổi mới phương pháp dạy tích cực học theo phương châm “lấy người học làm trung tâm”, đẩy mạnh thực hiện “3 thực chất", gắn với “2 thiết thực”, “nội dung thiết thực và phương pháp thiết thực”.
Năm học 2022-2023, Học viện hoàn thành huấn luyện - đào tạo cho 28 lớp học tập trung, gồm 15 đối tượng với 817 học viên. Các khóa học đều hướng tới mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu cấp chiến dịch - chiến lược, cán bộ nghiên cứu khoa học quân sự có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, năm vững những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội nhân văn quân sự; đường lối chính trị, quốc phòng, an ninh; nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Quốc phòng, đồng thời đánh giá cao Học viện luôn giữ vững truyền thống, là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của quân đội và của cả nước. Theo đó, Học viện đã quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chỉ thị, chỉ lệnh, kế hoạch của cấp trên về công tác giáo dục - đào tạo, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xác định “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng với các đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng; tham gia nghiên cứu tổng kết thực tiễn, nhất là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tổng kết Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự và nhiều chiến lược khác.
Học viện đã có nhiều cố gắng, đóng góp quan trọng trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo sỹ quan cao cấp cho Quân đội Nhân dân Cách mạng Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia và đào tạo quan chức quốc phòng quốc tế.
Chủ tịch nước nêu bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hiện nay còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định; đất nước ta dù đạt được những thành tựu rất quan trọng nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để tăng cường sức mạnh quốc phòng, quân sự; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là công tác đào tạo cán bộ và chỉ đạo Học viện Quốc phòng phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện - đào tạo.
Chủ tịch nước đề nghị, Học viện cần tiếp tục chủ động, tích cực, sáng tạo, đi đầu trong thực hiện chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo. Phát huy thành tích trong những năm qua, tiếp tục đổi mới có tính đột phá về chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trong đó, chú trọng đổi mới công tác huấn luyện - đào tạo, nhất là đổi mới chương trình đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược của Quân đội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ diện Trung ương quản lý, bảo đảm sát nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước, sự phát triển của Quân đội; phù hợp với đối tượng tác chiến và phương thức chiến tranh trên thế giới hiện nay. Học viện Quốc phòng phải là đầu tầu về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, góp phần tích cực vào xây dựng đội ngũ cán bộ của Quân đội, cán bộ cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tình hình mới.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Học viện đẩy mạnh việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển khoa học quốc phòng, an ninh, quân sự trong tình hình mới. Kế thừa, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của cha ông, tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để phát triển lý luận quân sự, quốc phòng, an ninh, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các vấn đề về chiến lược quốc phòng, an ninh, quân sự, nhất là nhận thức mới, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc.
Là trung tâm khoa học quân sự hàng đầu của quốc gia, Học viện cần làm tốt công tác phân tích, nghiên cứu, đánh giá và dự báo chính xác tình hình liên quan đến quốc phòng, an ninh; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, biện pháp chủ động phòng ngừa, có đối sách phù hợp để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, không để Tổ quốc bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Cùng với việc lưu ý Học viện cần chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đầu ngành của Học viện có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội, Chủ tịch nước đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Học viện sớm khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Với các học viên, Chủ tịch nước yêu cầu cần có kiến thức sâu sắc, xác định trách nhiệm, vinh dự của mình khi là học viên của Học viện Quốc phòng. Phải xác định động cơ học tập đúng đắn, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại” như Bác Hồ đã dạy; tuyệt đối chống tư tưởng học chỉ vì bằng cấp, cho đủ điều kiện để được đề bạt, nâng lương, được cơ cấu làm lãnh đạo. Mỗi học viên phải luôn rèn luyện lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống; khắc phục tình trạng ngại và lười học tập lý luận chính trị. Có ý thức tổ chức kỷ luật, có tác phong, lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của Học viện.
“Mỗi học viên tự hỏi mình xem đến Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia HCM để bồi dưỡng tri thức, rèn luyện phương pháp, tìm kiếm cái mới, học tập những kinh nghiệm hay để làm việc cho tốt hay là đôi khi chưa qua lớp này chưa thể làm quan cho nên phải qua” - Chủ tịch nước nêu vấn đề.
Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, Chủ tịch nước yêu cầu Học viện không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế về đào tạo; coi trọng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự giúp hai nước bạn Lào và Campuchia. Chăm lo xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ gắn với xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”.
Chủ tịch nước tin tưởng, với truyền thống vẻ vang 46 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Học viện Quốc phòng nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2023 - 2024; đồng thời xác định bước đi vững chắc trên nền tảng lý luận và thực tiễn mà quân đội, Đảng ta đã đạt được.
Vũ Dũng/VOV