Xét xử theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng phiên tòa

Việc xét xử theo hình thức trực tuyến giúp giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng.

 

Việc xét xử theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn giúp cho tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng vì nhiều lý do khách quan.

Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay, các tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án. Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cho biết điều này khi trình bày tham luận tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, ngày 6/9.

Phiên toà trực tuyến là một giải pháp đột phá

Báo cáo khẳng định, thời gian qua, cùng với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp mang tính đột phá, công tác xét xử của Tòa án nhân dân đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Một trong những giải pháp đột phá đó là việc Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động đề xuất và được Quốc hội chấp nhận, ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho các tòa án tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, ngay sau khi Nghị quyết số 33 có hiệu lực pháp luật, TAND tối cao đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án “Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến” vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và đã được Quốc hội chấp nhận.

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du.

TAND tối cao đã chủ động chỉ đạo các Tòa án khắc phục khó khăn, sử dụng tối đa khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất tại các tòa án để tổ chức phương thức xét xử mới này. Cụ thể là hướng dẫn các Tòa án địa phương tạm thời sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến và các thiết bị công nghệ thông tin hiện có của tòa án để tổ chức xét xử trực tuyến; liên hệ với chính quyền địa phương để đề nghị được hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất; liên hệ với các hãng sản xuất hệ thống truyền hình hội nghị hỗ trợ cho mượn trang thiết bị phục vụ công tác xét xử trực tuyến.

Tại một số tòa án, việc đầu tư điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đã được chính quyền địa phương hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương, như: tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình,…

Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay, các tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án, trong đó các vụ án hình sự là 7.197 vụ, hành chính 643 vụ, dân sự 436 vụ, hôn nhân và gia đình 164 vụ, lao động, kinh doanh thương mại 18 vụ, các loại vụ việc khác 807 vụ.

Đến nay, cả nước đã có 691 tòa án đã tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến. Các tòa án chưa tổ chức xét xử bằng hình thức trực tuyến là do điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động xét xử trực tuyến chưa đảm bảo.

Tiết kiệm chi phí, thuận lợi bảo vệ phiên tòa

Phó Chánh án TAND tối cao cho biết, thực tế triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đã giúp hạn chế tập trung đông người tại phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.

Việc xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự, vừa đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết các vụ án (đối với vụ án có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em thì không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa), đồng thời việc các bị cáo có thể tham dự phiên tòa tại điểm cầu trại tạm giam, nhà tạm giữ mà không cần phải áp giải các bị cáo từ nơi giam giữ đến tòa án đã giúp tiết kiệm được chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa...

Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa, khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên tòa, từ đó góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần; giảm bức xúc cho người khởi kiện. Việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính đã nhận được phản hồi tích cực của những người tham gia tố tụng và đánh giá rất cao của cơ quan hành chính nhà nước.

Với vụ án dân sự, xét xử trực tuyến giúp tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhiều vụ án đã sắp hết thời hạn nhưng không thể đưa ra xét xử do không triệu tập được đầy đủ đương sự, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; tiết kiệm được chi phí cho đương sự khi phải trực tiếp đến Tòa án tham dự phiên tòa.

Nhìn chung, việc xét xử theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn giúp cho tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa do vắng mặt bị cáo và những người tham gia tố tụng vì nhiều lý do khách quan. Ngoài ra tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; bảo đảm việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ việc, giảm thiểu chi phí, thời gian, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Du khẳng định, kết quả trên cho thấy chủ trương của Quốc hội cho phép TAND tổ chức phương thức xét xử bằng hình thức trực tuyến là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các tòa án; đáp ứng việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như xu thế chung của các nền tư pháp tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có cơ sở vật chất, trang thiết bị sử dụng cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều trường hợp còn phải thuê mượn từ nơi khác.

TAND tối cao kiến nghị quá trình xem xét ban hành chính sách cần đồng thời xem xét việc bố trí nguồn lực để thực hiện, tránh tình trạng khi chính sách được thông qua nhưng không đủ nguồn lực thực hiện sẽ dẫn đến sự chậm trễ để đưa chính sách đi vào thực tiễn.

Bên cạnh đó cần hoàn thiện pháp luật về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng các thủ tục tố tụng trực tuyến không chỉ trong việc tổ chức các phiên tòa xét xử vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà kể cả các phiên họp như phiên họp giải quyết việc dân sự, phiên họp xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, cung cấp chứng cứ và hòa giải…; không quy định giới hạn số lượng điểm cầu thành phần.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận