Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần phải đặt các vấn đề liên quan đến Đường lưỡi bò phi pháp trong góc nhìn toàn cảnh, từ đó xác định đâu là điểm còn yếu, còn thiếu trong cuộc chiến chống lại những yêu sách chủ quyền bá quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời, đảm bảo các hoạt động giao thương kinh tế đa quốc gia trên nền tảng số được duy trì một cách hoà bình, ổn định và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo (Học viện Chính trị Công an Nhân dân) - khi bàn về Chiến lược vùng xám và hành vi sử dụng các nền tảng số để lan truyền yêu sách Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc có những nhận định toàn cảnh hơn trong bối cảnh cuộc chiến địa chính trị đang rất phức tạp trên toàn cầu.
- Đánh giá của ông với hành vi đẩy cuộc chiến chủ quyền lên không gian mạng của Trung Quốc?
Với sự tiến bộ rất nhanh chóng của khoa học và công nghệ hiện nay, mỗi một phát minh mới tạo ra những công cụ mới, cho dù là phương tiện truyền thông hay phương tiện quân sự đều được ứng dụng cho các mục tiêu chính trị. Nếu phương tiện quân sự là các phương tiện sát thương/phi sát thương thì truyền thông luôn nhắm mục tiêu vào trái tim và khối óc của con người để chuyển hóa và sử dụng con người vào mục đích của bên chủ động tấn công chứ không phải để tiêu diệt con người.
Hiện tượng một số ấn phẩm văn hóa, công nghệ số, thậm chí là những tấm hộ chiếu tạo ra sự cảnh giác cao độ của người Việt Nam đối với mọi hoạt động liên quan Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, khi mà cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược giữa các cường quốc mà điển hình là bộ ba Mỹ - Trung Quốc - Nga, để phân biệt được, hiểu được những gì ẩn giấu đằng sau những thủ đoạn truyền thông đó buộc chúng ta phải tìn hiểu hai vấn đề: Một là các sản phẩm ấy do ai tạo ra và hai là các sản phẩm ấy có lợi cho ai.
Đối với một tấm hộ chiếu của Trung Quốc có hình vẽ Đường lưỡi bò thì quá dễ, nó do chính quyền Trung Quốc tạo ra và truyền đi một thông điệp có tính trực diện rằng đó là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam xử lý bằng việc phản đối về ngoại giao, đi đôi với việc cấp thị thực nhập/xuất cảnh rời, không dán lên hộ chiếu Trung Quốc. Tất nhiên là phía Trung Quốc hiểu điều này nên họ chỉ in Đường lưỡi bò ở hộ chiếu phổ thông mà không dám in lên hộ chiếu công vụ và càng không dám in lên hộ chiếu ngoại giao.
Còn đối với các sản phẩm công nghệ thông tin, nền tảng mạng và sản phẩm văn hóa thì phức tạp hơn. Nhiều sản phẩm văn hóa cho thấy tính phức tạp đó. Bên cạnh các bộ phim do Trung Quốc (kể cả Đài Loan và Hồng Kông sản xuất), không hiếm những sản phẩm văn hóa không phải xuất xứ từ Trung Quốc hoặc đồng xuất xứ Trung Quốc với nước khác cũng có vấn đề Đường lưỡi bò phi pháp.
Bộ phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ là do Hãng DreamWorks của Mỹ hợp tác sản xuất với Công ty Pearl của Trung Quốc. Nhiều người chỉ quy lỗi cho phía Trung Quốc lồng ghép Đường lưỡi bò phi pháp vào phim, nhưng lại không hề để ý thấy Hãng DreamWorks của Mỹ cũng là một trong hai thủ phạm của hành vi đó. Tương tự với một số bộ phim khác.
- Vâng. Tại sao vậy ạ?
Lý giải điều này không khó nếu chúng ta tìm hiểu xem nước nào có lợi khi khuấy động vấn đề Đường lưỡi bò phi pháp ở Việt Nam khi nước đó không phải là Trung Quốc. Những thủ đoạn chiến tranh tâm lý xung quanh Đường lưỡi bò phi pháp rất tinh vi và nham hiểm khi muốn biến Việt Nam trở thành “lính xung kích” chống Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, những người có hiểu biết, có đủ thông tin và óc phân tích vẫn có thể nhận ra mưu đồ này. Đó là phá hoại quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, đồng thời “chọc gậy bánh xe” để một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) không thể ra đời.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam kiên định với chính sách 4 không: Không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không đi với bất kỳ nước nào để chống lại nước thứ ba, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chính sách đã tạo được hòa bình, ổn định ở Biển Đông, khôi phục quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc; đồng thời xúc tiến các cuộc đàm phán để đi đến một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông công bằng, minh bạch, thực chất và tuân thủ luật pháp quốc tế.
- Trung Quốc vẫn thực hiện yêu sách Đường lưỡi bò trái phép một cách mập mờ nhằm tạo ra một vùng xám tranh chấp trên Biển Đông.
Chiến thuật vùng xám mà Trung Quốc áp dụng ở Biển Đông hiện nay là biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp, sau đó dùng vũ lực hoặc sức ép chính trị và kinh tế để biến vùng tranh chấp thành vùng chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, thực hiện điều này không hề dễ dàng vì về pháp lý, Trung Quốc không thể vượt qua văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng mà họ đã tham gia, đó là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
Vụ kiện của Philippines năm 2016 ra Tòa án trọng tài quốc tế PCA cho thấy Trung Quốc không thể dễ dàng thực hiện Chiến thuật vùng xám cho dù họ đã thi thố nhiều thủ đoạn khác nhau, từ đe dọa bằng quân sự đến các hành động phi quân sự.
Nhưng nếu nhìn vấn đề ở mức độ toàn cầu thì có thể thấy Mỹ cũng đang thi thố Chiến thuật vùng xám, nghĩa là khuấy động sự tranh chấp ở bất kỳ vùng biển nào, có thể ngang nhiên đưa hạm đội hải quân của Mỹ đến bất kỳ đâu mà không gặp phải các vấn đề pháp lý quốc tế.
Mỹ hiện đang là cường quốc duy nhất trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không tham gia UNCLOS 1982. Nói cách khác, tham gia UNCLOS 1982 có nghĩa là tước đi phần lớn sức mạnh răn đe thông thường của Mỹ trên toàn cầu. Chính vì vậy mà trong vấn đề tranh giành ảnh hưởng ở Biển Đông cần phải cảnh giác với vấn đề chiến tranh tâm lý.
Vì vậy, lòng yêu nước là rất thiêng liêng. Và vì nó rất thiêng liêng nên rất cần phải yêu nước một cách cực kỳ tỉnh táo, sáng suốt, không được cực đoan, một chiều.
Ông có biết về các chính sách/chương trình cụ thể nào của Trung Quốc có tính hệ thống nhằm gây ảnh hưởng đến truyền thông và văn hóa trong lĩnh vực này không?
Cũng giống như người Mỹ, người Trung Quốc cũng có chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” ở Biển Đông. Nhưng về hành động cụ thể thì không giống như người Mỹ. Thông thường, trong quan hệ song phương, Trung Quốc sẽ đưa vấn đề chia sẻ lợi ích mà điển hình là chiến thuật “gác tranh chấp để cùng khai thác” của Đặng Tiểu Bình. Một khi không đạt được mục đích của chiến thuật đó, Trung Quốc sẽ sử dụng sức ép ngoại giao, sức ép kinh tế và thậm chí cả sức ép quân sự để buộc đối phương phải nhượng bộ.
Còn trong các mối quan hệ đa phương, họ sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” kết hợp với chính sách “chia để trị”. Ví dụ rõ rệt nhất là vấn đề quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Tại đây có sự tranh chấp của 4 nước 5 bên gồm: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Trong đó có Philippines và Đài Loan là hai đồng minh của Mỹ. Khu vực quần đảo này đan cài nhiều lợi ích, không chỉ của các bên có liên quan mà còn thể hiện sự cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối diện với một Cộng đồng ASEAN, Trung Quốc luôn dùng chính sách “chia để trị”.
Một khi ASEAN duy trì được tính gắn kết, trung lập thì chính sách này của Trung Quốc thất bại. Ngược lại, khi sự đoàn kết trong ASEAN trở nên lỏng lẻo, mâu thuẫn gia tăng thì khi đó, chính sách “chia để trị” của Trung Quốc phát huy tác dụng.
Một trong những biểu hiện rõ rệt nhất là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 7/2012 tại Phnompenh (Campuchia) đã không ra được tuyên bố chung do lập trường khác nhau giữa các thành viên ASEAN về xung đột giữa Philippines với Trung Quốc tại khu vực bãi cạn Scarborough. Sau sự kiện này, Việt Nam đã phải rất vất vả để hàn gắn lại những chia rẽ trong nội bộ ASEAN.
Trải qua 8 năm kiên trì vận động và hòa giải trên các kênh ngoại giao chính thức và không chính thức, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 36 diễn ra theo hình thức trực tuyến với vai trò Chủ tịch luân phiên của Việt Nam, chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” do Việt Nam đề xướng đã được các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác của ASEAN cũng như luận thế giới hoan nghênh và đánh giá cao, tinh thần đồng thuận của ASEAN được củng cố.
Từ sau khi thất bại trong các chiến thuật dùng sức mạnh quân sự được che giấu bằng các hoạt động dân sự như tụ tập tàu đánh cá để tránh bão, nghiên cứu khảo sát biển. Và đặc biệt là vụ giàn khoan HD-981, Trung Quốc lại chuyển dần sang chiến thuật “củ cà rốt” với việc mở rộng đầu tư về giao thông và kỹ nghệ, xuất khẩu hàng hóa (kể cả vũ khí quân sự).
Trong khi họ vẫn sử dụng các biện pháp thể hiện sức mạnh mềm như lấy cớ chống dịch để hạn chế nhập khẩu hàng hóa, khống chế nguồn nước trên sông Lan Thương, đầu nguồn của sông Mekong, ban hành Luật Hải cảnh vi phạm chủ quyền của các nước trên Biển Đông, lấy cớ bảo vệ môi trường sinh thái biển để ban hành các lệnh cấm đánh bắt hải sản ở Biển Đông.v.v.
Cùng với việc Trung Quốc xúc tiến mạnh mẽ việc bồi đắp các đảo chìm thành các đảo nổi và xây dựng ở đây các căn cứ lưỡng dụng dân sự - quân sự, các hành động đó cho thấy nước này chưa bao giờ từ bỏ mưu đồ thôn tính Biển Đông.
- Theo ông các doanh nghiệp quốc tế sẽ phải đối mặt với những nguy cơ nào khi đánh đổi khả năng tiếp cận thị trường và đánh mất đi sự vô can về chính trị trong vấn đề Đường lưỡi bò phi pháp?
Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là hoan nghênh và khuyến khích các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước và giữa các nước với Việt Nam. Nhưng với điều kiện là họ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào phạm những điều kiện trên đây đều không được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Những điều cấm kỵ này không chỉ được nhà nước và nhân dân Việt Nam đặt ra với các hoạt động văn hóa, xã hội mà còn cả các hoạt động kinh doanh, thương mại, du lịch.v.v. Thực tế cho thấy tất cả các công ty xuyên quốc gia đến đặt cơ sở hợp tác kinh doanh tại lãnh thổ Việt Nam đều chấp hành nghiêm chỉnh các điều kiện đó. Những cá nhân, tổ chức này vi phạm thì họ phải tự gánh chịu tất cả mọi thiệt hại do hành vi không tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam mà họ đã gây ra.
- Chúng ta nên có những định hướng chính sách thế nào để loại bỏ nguy cơ xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc trên không gian mạng?
Đối với các hành vi xâm phạm đến độc lập, chủ quyền trên mọi lĩnh vực, ở mọi nơi, mọi lúc, thì tùy theo tính chất, mức độ nguy hại, nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ phản đối mạnh mẽ và kiên quyết xử lý nghiêm khắc. Các chính sách định hướng đó được toàn thể nhân dân Việt Nam hoan nghênh và hưởng ứng.
Trên thực tế cho thấy nhiều hành động tinh vi trên không gian mạng hoặc trong các sản phẩm văn hóa tinh thần đều bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, trong đó có không ít trường hợp do chính người dân phát hiện và tố giác với cơ quan chức năng.
Đối diện với một “lưới trời lồng lộng” của cuộc chiến toàn dân, toàn diện nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia như vậy, chiến thuât vùng xám của Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại. Đồng thời, mọi âm mưu sử dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam vào những toan tính cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị của các cường quốc cũng sẽ thất bại.
TRÀ KHÁNH/VTC.VN