"Văn hóa xin lỗi" là đạo đức, là văn minh của một đảng cầm quyền. Việc nhận ra sai sót và chân thành xin lỗi sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch, công khai hơn.
Ngày 18/8 vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 117 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Quy định này được dư luận đặc biệt quan tâm và đánh giá cao. Việc ban hành Quy định 117 chính là bước hoàn thiện thể chế về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; giúp cho Đảng thêm vững mạnh, "là đạo đức là văn minh".
Quy định 117 là bước hoàn thiện Quy định 22 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Theo Quy định 117, việc xin lỗi, phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải thực hiện kịp thời, công khai, khách quan và do chính tổ chức đảng đã ra quyết định gây oan chịu trách nhiệm thực hiện. Cùng với đó là bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan, giải quyết oan phải triệt để. Kể cả khi người bị oan đã qua đời thì vẫn phải tổ chức xin lỗi với thân nhân đảng viên.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, khẳng định, việc ban hành Quy định 117 chính là bước hoàn thiện thể chế về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
"Quy định về xin lỗi, phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan cho thấy, đã làm phải làm đúng, làm oan phải xin lỗi, chỗ này quy định cụ thể. Không để oan sai, cũng không để bị bỏ lọt", ông Trần Cẩm Tú nhấn mạnh.
"Văn hóa xin lỗi" là đạo đức, là văn minh của một đảng cầm quyền. Việc nhận ra sai sót và chân thành xin lỗi sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch, công khai hơn, thể hiện chia sẻ nỗi oan của tổ chức đảng và đảng viên. Điều này được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ông Lê Văn Quyết, người dân ở Hà Nội cho rằng, việc ban hành Quy định 117 cho thấy Đảng rất công tâm trước mọi vấn đề đúng- sai của một tổ chức hay là của một đảng viên. Khi Đảng làm sai mà oan cho tổ chức hay đảng viên nào đó thì Đảng thành thật sửa chữa, khắc phục xin lỗi, đó là điều rất tốt.
Ông Nguyễn Thành Viễn, thành viên Câu cạc bộ Thăng Long (Hà Nội) cho rằng: "Anh đã làm oan thì phải xin lỗi, đồng thời phải bồi thường cho người ta. Bởi vì đây là danh dự của con người, những việc oan sai như vậy không những bản thân người ta khổ, mà còn gia đình bạn bè, họ hàng, quê hương. Cho nên Bộ Chính trị ban hành một quy định như vậy tôi cho là rất đúng, rất phù hợp, rất cần thiết và rất quan trọng".
Nhìn lại lịch sử, trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng có những lúc và những thời điểm Đảng ta cũng có khuyết điểm là không thể tránh khỏi. Câu chuyện trong cải cách ruộng đất ở nước ta là một ví dụ. Khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhận khuyết điểm, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và chúng ta đã tiến hành sửa sai. Người chỉ rõ: "Sự nghiệp cách mạng là muôn vàn khó khăn, Đảng có sai thì phải xin lỗi, xin lỗi để sửa lỗi. Việc đó không có gì xấu hổ mà chính là một cử chỉ rất văn hóa, đó là văn hóa xin lỗi, sửa lỗi của cán bộ, đảng viên".
Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phân tích: "Trong cuộc đời lãnh đạo cách mạng của mình, Bác Hồ đã có những thời điểm phải khóc trước Ban Chấp hành Trung ương bởi vì những sai lầm Đảng ta đã vấp phải, thậm chí có sai lầm nghiêm trọng trong việc chỉnh đốn tổ chức, giải tán Chi bộ, gây ra oan sai đối với những cán bộ đảng viên. Nhưng điều vĩ đại ở chỗ, sau khi nhận ra khuyết điểm thì Trung ương Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dũng cảm nhận rõ khuyết điểm và kiên quyết tổ chức sửa chữa để khắc phục các khuyết điểm. Chính việc làm đấy đã lấy lại lòng tin cho đảng viên, đồng thời giải quyết được tâm lý, tình cảm của đảng viên".
Trong quá trình vận hành của một Đảng có những lúc quan điểm nhận được sự đồng tình, có những quan điểm còn ý kiến trái chiều. Có lúc phạm sai lầm. Có những lúc đánh giá cán bộ đảng viên chưa đúng, thậm chí gây ra oan sai. Do đó, nhận ra khuyết điểm thì phải sửa chữa khuyết điểm, đồng thời phải minh oan. Sự minh oan của tổ chức Đảng rất có giá trị, lấy lại niềm tin cho cán bộ đảng viên. Quy định cũng để khuyến khích đảng viên dám dấn thân, dám phấn đấu, dám quyết định và giải quyết được những lo lắng khi thực thi công vụ.
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Khi xử lý kỷ luật oan thì xin lỗi và sửa sai chính là đạo đức, là văn minh.
"Trung ương làm tốt Quy định 117 có ý nghĩa như chống tham nhũng, tiêu cực, rất tốt trong Đảng, không thể để người ta phải chịu oan ức cả đời. Xã hội cởi mở, đổi mới thật sự, nhìn nhận cuộc đời của con người ta khách quan, rõ ràng, rành mạch", ông Ngô Văn Sửu nêu quan điểm.
Với việc ban hành Quy định số 117 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan là rất cần thiết, thấy sai thì nhận. Làm oan thì phải xin lỗi và minh oan cho họ. Hy vọng Quy định số 117 sẽ đi vào cuộc sống. Xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan càng làm cho Đảng thêm vững mạnh, cũng đúng theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Đảng ta là đạo đức, là văn minh"./.
Lại Hoa/VOV1