Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, trong quy hoạch KCN, nhà đầu tư vào KCN phải tính toán câu chuyện nếu phát triển thì lượng công nhân là bao nhiêu, từ đó đề nghị địa phương và nhà nước giao đất làm dự án nhà ở cho công nhân ở, chứ không nên quy định quy hoạch khu nhà ở trong KCN.
Chiều 25/8, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh vấn đề cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với một số luật cũng đang được sửa đổi như đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Luật nhà ở chỉ nên đề cập tới nhà ở
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các luật có liên quan trực tiếp đến nhau, được sửa đổi cùng một lần thì phải cố gắng xử lý phạm vi điều chỉnh cho thật rõ ràng, tách bạch. Luật nhà ở chỉ đề cập tới nhà ở, còn đất cho nhà ở phải để cho luật đất đai, kinh doanh nhà ở phải để cho luật kinh doanh bất động sản, đấu thầu phải để cho luật đấu thầu quy định, đầu tư phải để cho luật đầu tư… không đưa vấn đề đầu tư dự án nhà ở vào luật nhà ở, hay đất cho nhà ở cũng cho vào luật nhà ở…
Đồng tình với cách tiếp cận vấn đề nhà ở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi góp ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 25/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần có phân loại nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ.
“Quy định nhà ở thương mại là gì, điều kiện để hình thành loại nhà ở này ra sao, mua bán trao đổi thế nào để phát huy loại hình này. Đối tượng nào cũng có thể mua được, bán được, bất kể giàu hay nghèo. Có tiền thì mua nhà ở thương mại. Loại nhà ở xã hội là loại mà chính sách của nhà nước phải có ưu tiên nhất định. Ví như trong luật quy định chuyển sử dụng đất thì không phải thu tiền sử dụng đất, hoặc miễn hay một số chính sách khác về xây dựng, quy hoạch. Loại nhà giá rẻ thì có ưu tiên một phần chính sách của nhà nước để đáp ứng yêu cầu của đối tượng tầm trung, những người không mua được loại thương mại cao cấp… Tôi nghĩ tiếp cận theo cách này có khi lại sáng sủa hơn và các quy định của pháp luật về 3 loại hình nhà ở này cũng sẽ sáng sủa hơn”, ông Trần Quang Phương nêu quan điểm.
Không tính nhà công vụ như nhà ở thương mại hay xã hội
Khẳng định nhà ở công vụ là loại hình nhà ở để phục vụ cho mục đích công vụ, chỉ cho thuê, mượn, sau khi hết công tác, không còn là công chức nhà nước nữa thì trả lại nhà nước. Vì thế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, nhà công vụ mà cũng tính như kiểu nhà ở thương mại hay nhà ở giá rẻ sau này nếu người ta có nhà ở rồi, người ta vẫn có thể có suất nhà công vụ, họ sẽ có 2 thậm chí 3 nhà, vì người ta chuyển tới 3 nơi thì có 3 nhà công vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần thiết phải quy định trong luật như vậy để đáp ứng yêu cầu công vụ, bởi các cơ quan của Đảng, Nhà nước đều có chính sách luân chuyển cán bộ và đương nhiên người ta sẽ không thể ở nơi họ đăng ký thường trú, mà phải dùng nhà công vụ ở các nơi họ được luân chuyển tới.
Không nên quy định quy hoạch khu nhà ở trong KCN
Về chương trình phát triển nhà cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn có nên quy định trong luật hay không khi đây chỉ là một kế hoạch công việc hành chính, thì nên để hành chính làm, nếu không cân nhắc có khi giống như một số ý kiến của Ủy ban Pháp luật quy định sẽ như một loại giấy phép con trong một quy hoạch con.
Đề cập vấn đề nhà ở lưu trú công nhân trong KCN, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, phải tính toán thật kỹ, còn theo quan điểm cá nhân của ông là không nên có vì đã có 3 loại hình nhà ở rồi. Còn trong quy hoạch KCN, như Thái Nguyên đang làm, tỉnh Thái Nguyên và nhà đầu tư vào KCN phải tính toán câu chuyện nếu phát triển thì lượng công nhân là bao nhiêu, từ đó đề nghị địa phương và nhà nước giao đất làm dự án nhà ở thương mại, nhà ở giá rẻ, hoặc nhà ở xã hội cho công nhân ở, chứ không nên quy định trong KCN quy hoạch khu nhà ở.
“Phải phân biệt rạch ròi giữa nhà ở cho công nhân với nhà ở cho công nhân ở tại nhà máy, xí nghiệp, hay KCN giống như nhà công vụ cho cán bộ công chức. Nếu không hết đời ông, đến đời cha, đời con nằm mãi trong KCN thì quy hoạch KCN sẽ thế nào, dư địa đâu để phát triển KCN. Vì thế các quy định về tiền sử dụng đất, thuê đất miễn giảm trong KCN cũng cần phải tính toán. Chúng ta hình thành loại nhà ở xã hội chỉ được thuê hoặc thuê mua, hoàn toàn có thể bảo đảm điều kiện công nhân có luân chuyển đến nhà máy nào đi nữa, ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể ở được”, ông Trần Quang Phương phân tích.
Theo VOV.VN