Với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, năm 2018, Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế ngày càng được khẳng định.
Khẳng định dấu ấn của ngoại giao đa phương
Là một trong 3 sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) hồi tháng 9 mới đây được đánh giá là Hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong 27 năm qua khi quy tụ được nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác, khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam còn trở thành tâm điểm chú ý, xuất hiện liên tục trong dòng chảy thông tin trên các phương tiện truyền thông quốc tế với hàng nghìn bài viết, thu hút hàng triệu lượt người tham gia tương tác trên mạng xã hội…Thành công đó không chỉ thể hiện chủ đề, nội dung Hội nghị WEF ASEAN 2018 đáp ứng sự quan tâm và lợi ích chung của khu vực cũng như thế giới, mà còn khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam.
Cùng với WEF ASEAN 2018, năm nay, việc nước ta đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-26, GMS 6, CLV 10, Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) là minh chứng cho thấy sự coi trọng của các nước đối với vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình các thể chế khu vực và toàn cầu.
Đây là biểu hiện sinh động về hoạt động đối ngoại đa phương của nước ta đã nâng lên một tầm cao mới, chuyển mạnh sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, qua đó bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Thành công của các sự kiện này đã tạo được một nhận thức mới, một niềm tin mới, một sức mạnh mới, khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Nâng cao vị thế trên trường quốc tế
Cùng với việc tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao khi bạn bè quốc tế đánh giá tích cực về những đóng góp của Việt Nam tại các tổ chức và diễn đàn như: ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc(UNESCO), các cơ chế Mê Công v.v…
Năm 2018, Việt Nam cũng đã thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” trong hội nhập quốc tế khi tham gia kiến tạo và định hình các thể chế khu vực và toàn cầu. Tại cuộc họp của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc tháng 5 năm nay, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA (nhiệm kỳ 2020 - 2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019. Việc Nhóm châu Á - Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam.
Và trong tháng 12 năm 2018, tại cuộc bầu cử trong khuôn khổ Khóa họp 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York, với số phiếu 157/193, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025. Sự kiện này đánh dấu bước tiến tiếp theo trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, cụ thể ở đây là hội nhập pháp lý đa phương, thực hiện chủ trương tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung ở cấp độ quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ truyền thống
Trong năm 2018, các đồng chí lãnh đạo cấp cao nước ta đã thực hiện 24 chuyến thăm nước ngoài và tham dự hội nghị quốc tế đa phương, tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới, đồng thời đón 19 lượt lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh châu Âu tháng 10 năm nay của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban châu Âu đã đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
Bên cạnh đó, quan hệ với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới tiếp tục được đẩy mạnh với việc chứng kiến nhiều chuyến thăm cấp cao của Nga, Pháp, Ấn Độ, Cuba… Trong năm 2018, Việt Nam cũng không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác với bạn bè truyền thống ở Đông Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 188 nước, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực.
Nội dung các hoạt động đối ngoại đều rất thực chất, thúc đẩy quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Hiện, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 28 quốc gia trên thế giới. Thông qua các hoạt động kỷ niệm lớn trong quan hệ với Canada, Nhật Bản, Anh, Singapore, Malaysia, Pháp, Bỉ, Argentina, nước ta đã tăng cường mạnh mẽ tin cậy chính trị và đẩy mạnh hiệu quả hợp tác thực chất với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cũng trong năm nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Australia lên đối tác chiến lược và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Hungarry.
Hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục là điểm sáng
Trên cơ sở tạo dựng nền tảng tin cậy chính trị, ngành ngoại giao đã làm tốt vai trò tạo kết nối, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường, gia tăng đan xen lợi ích, phục vụ phát triển. Năm 2018 là năm ghi dấu ấn quan trọng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam khi ký và thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nỗ lực thúc đẩy sớm hoàn tất phê chuẩn FTA Việt Nam-EU, đạt được tiến bộ trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việt Nam hiện xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nước (chiếm 59% dân số, 61% GDP và 68% thương mại thế giới) thông qua 16 hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ở cấp địa phương, với sự đồng hành của Bộ Ngoại giao, các địa phương đã rất chủ động triển khai hội nhập quốc tế, ký 420 các thỏa thuận quốc tế trong tất cả các lĩnh vực, phát huy thế mạnh từng vùng miền, từng ngành hàng. Đây là những tiền đề quan trọng tạo thêm xung lực mới để đất nước bước vào giai đoạn tăng trưởng mới bền vững hơn, thực chất hơn. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc triển khai các hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển đang được ngày càng bài bản, chính quy, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm 2019, các cuộc khủng hoảng và cạnh tranh quyền lực toàn cầu tiếp tục sẽ có tác động lớn đến diện mạo địa chính trị của thế giới. Hợp tác và cạnh tranh đan xen một cách phức tạp, các tập hợp lực lượng với những hình thức và sắc thái mới đặt ra nhiều thách thức cho các nước vừa và nhỏ. Thế giới đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, một bước chuyển mình được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất.
Vậy ngành ngoại giao sẽ làm gì để chúng ta có thể bắt kịp với xu hướng mới của thời đại, không bị tụt hậu lại phía sau? Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Hải Bằng cho rằng, câu trả lời chính ở sự đổi mới tư duy. “Ngành đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng phải đột pha đổi mới tư duy sánh tầm với thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam. Đổi mới tư duy có nhiều nội dung, nhưng theo tôi, một trong những nội dung quan trọng nhất của đổi mới tư duy là phải làm cho ngành ngoại giao việt Nam phù hợp với thế giới, với thời đại” - ông Nguyễn Hải Bằng nhấn mạnh.
Năm 2019 cũng là thời điểm quan trọng để Việt Nam chuẩn bị cho việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, vận động để ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Trong bối cảnh khu vực và thế giới đặt ra những cơ hội và thách thức, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác cùng phát triển, sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả nước, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế sẽ ngày càng được khẳng định.
Trong năm 2018, công tác bảo hộ công dân, ngư dân, được triển khai có hiệu quả với 10.360 người được bảo hộ, trong đó ngư dân là 1.600 người. |
Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó hơn 10 hiệp định đã có hiệu lực. Có được những thành tựu này không thể không kể đến những đóng góp thiết thực của ngành ngoại giao nói chung và công tác ngoại giao nói riêng nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. |