Kinh tế tuần hoàn không chỉ là cách 'làm màu' của doanh nghiệp lớn

Mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là quá trình kinh doanh, huy động đầu tư mà còn là quá trình chiến lược và đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

 

Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022. Trong đó khẳng định việc chủ động phát triển KTTH là xu hướng tất yếu, phù hợp với yêu cầu tạo đột phát trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn khó hơn đổi mới sáng tạo

Nền KTTH được hiểu là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN (Bộ KH&CN) khẳng định, trong định hướng chiến lược phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, KTTH là một chủ chốt. Techfest năm 2023 đặc biệt quan tâm tới các công nghệ thực phẩm, nông nghiệp thông minh, công nghệ bảo vệ môi trường, các ứng dụng AI,…vừa tạo đòn bẩy kinh tế vừa đóng góp cho sự phát triển bền vững.

“Ngày nay không thể phủ nhận rằng sự phát triển của khoa học - công nghệ đã mang đến những lợi ích to lớn, giúp cuộc sống của con người tốt hơn, tiện lợi và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời khiến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và thay đổi khí hậu”, ông Quất nhìn nhận.

KTTH loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường.Đề cao tầm quan trọng của phát triển nền KTTH trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ông Nguyễn Hoàng Hải, chuyên gia đến từ Đại học Swinburne Việt Nam cho rằng, phát triển KTTH sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mặc dù khái niệm KTTH là việc kéo dài cuộc sống, đồng thời có thể đem lại cuộc sống thứ 2 cho các nguyên vật liệu vốn sẽ bị coi là rác thải. Song đây lại là 1 quá trình yêu cầu áp dụng các biện pháp thiết kế, sử dụng hợp lý, tái chế, tái sử dụng nguyên liệu một cách thông minh. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên ngày càng nghiêm trọng, mô hình KTTH đòi hỏi những giải pháp tầm nhìn có thể biến đổi xã hội và nền kinh tế.

Từ thực tế triển khai mô hình KTTH ở Việt Nam cũng đã và đang nảy sinh các thách thức lớn, khi lợi ích về kinh tế đang bị áp đặt trong quá trình áp dụng, mặc dù KTTH mang tới nhiều lợi ích cho cộng đồng. Như đánh giá của ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), nhiệt độ tăng trên toàn cầu đang tạo khó khăn đối với cuộc sống hiện tại, nên mỗi người đều thấy phải thay đổi, hướng tới phát triển xanh để góp phần tăng độ hài lòng trong cuộc sống hàng ngày chính là mục tiêu của nền KTTH.

“Thực hiện KTTH còn khó hơn đổi mới sáng tạo vì đổi mới sáng tạo chỉ mới tập trung vào phát triển kinh tế, còn KTTH vừa cân bằng kinh doanh vừa bảo vệ, cải tạo môi trường. Chính vì vậy KTTH không chỉ là quá trình kinh doanh, huy động đầu tư mà còn là quá trình chiến lược và đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan”, ông Dũng nói.

Quá trình triển khai mô hình KTTH ở Việt Nam đã và đang nảy sinh các thách thức lớn.Phá vỡ hiểu lầm về kinh tế tuần hoàn

KTTH không chỉ là một cách để tái chế, mà còn là cơ hội để DN phát triển bền vững, tạo giá trị và phát triển thông qua việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Đó là quan điểm của bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD - United Way Việt Nam khi cho rằng, để thúc đẩy KTTH, cộng đồng phải phá vỡ các hiểu lầm về KTTH như hiểu đây là 1 quy trình tái chế, hay 1 trào lưu xa vời hay tạm thời, thậm chí là cách “làm màu" chỉ dành cho các DN lớn làm thương hiệu, không phải dành cho các DN khởi nghiệp.

“KTTH không chỉ dành riêng cho DN lớn mà phải là 1 xu hướng phổ biến trong thời đại mới, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Sự đổi mới sáng tạo mở và KTTH đều hỗ trợ nhau trong việc xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng, giúp giảm thiểu lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra giá trị và phát triển bền vững cho xã hội và DN”, bà Phương Linh nêu giải pháp.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang yêu cầu sự phục hồi và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tầm quan trọng của KTTH cần được đề cao, đặc biệt với các mô hình khởi nghiệp và kinh doanh. Sự đoàn kết hợp tác đa phương đa ngành, tinh thần đổi mới sáng tạo theo xu hướng KKTH là tiền đề tiên quyết để giải quyết các thách thức, nhằm tạo ra sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với tận dụng tài nguyên để từ tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia./.

PV/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận