Ủy ban TVQH: Nước cho sinh hoạt cần được quản lý nghiêm ngặt

Nước cho sinh hoạt là sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng nên cần được quản lý nghiêm ngặt.

 

Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Lê Quang Huy cho biết điều này khi báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khuyến khích giải pháp sử dụng nước tuần hoàn

Báo cáo của cơ quan thẩm tra cho biết có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một chương riêng quy định về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch, nước sinh hoạt; đề nghị bổ sung việc quy định giao nhiệm vụ hoặc yêu cầu năng lực của đơn vị cấp nước khi tham gia đầu tư xây dựng công trình cấp nước để có cơ sở quản lý; quy định về phân vùng cấp nước, thẩm quyền cấp nước để tránh chồng chéo, xung đột giữa các đơn vị cấp nước; quy định chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi phát sinh trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt...

Thường trực Ủy ban KH-CN&MT thấy rằng, ý kiến ĐBQH là hoàn toàn xác đáng. Nước cho sinh hoạt là sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và cần quản lý nghiêm ngặt.

Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong quy định pháp luật về quản lý nước, Luật Tài nguyên nước chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nguồn nước, còn các hoạt động khai thác, sử dụng nước được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Luật chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Còn các nội dung cụ thể liên quan đến khai thác, sử dụng, cấp nước cho sinh hoạt như đầu tư xây dựng công trình cấp nước, điều kiện, năng lực của đơn vị cung cấp nước, hợp đồng mua bán nước, phân vùng cấp nước, thẩm quyền cấp nước; bồi thường thiệt hại có liên quan đến khai thác, sử dụng và cung cấp nước cho sinh hoạt, ứng xử với sự cố về nước… sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo

Trước ý kiến đề nghị bổ sung một điều riêng về tuần hoàn nước, tái sử dụng nước, ông Lê Xuân Huy cho rằng, tuần hoàn, tái sử dụng nước là giải pháp hiệu quả trong sử dụng tiết kiệm nước, nhưng hiện nay chi phí tuần hoàn, tái sử dụng nước cao gấp nhiều lần so với chi phí mua nước và chi phí xử lý nước thải.

Trên nguyên tắc phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, an ninh nguồn nước và ngược lại bảo đảm an ninh nguồn nước không kìm hãm phát triển kinh tế, dự thảo Luật đã bổ sung một điều mới (Điều 58) quy định về nội dung này thể hiện ở 3 mức độ áp dụng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta

Đó là: Khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng nước có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước thải; Có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi tương ứng theo quy định của pháp luật; Bắt buộc áp dụng đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước không còn khả năng chịu tải.

Đồng thời, bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước.

Khai thác nước ngầm bừa bãi

Đề cập việc đăng ký cấp phép sử dụng, khai thác tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc quy định các trường hợp không phải đăng ký, không phải cấp phép khai thác tài nguyên nước với nước ngầm vì thực tế có nhiều băn khoăn về tình trạng khai thác bừa bãi.

“Nước ngầm phải hết sức lưu ý, tôi đề nghị nghiên cứu thêm, phải chặt chẽ hơn. Không phải đăng ký cuối cùng sụt đất, rất nguy hiểm”, ông Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến.

Cũng liên quan nội dung cấp phép, khai thác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát kỹ để quy định phù hợp, thống nhất. Ví dụ trường hợp cho mục đích sản xuất nông nghiệp, thủy sản quy mô vừa thì đăng ký đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, vậy quy nhỏ có phải đăng ký hay không, thực hiện thế nào thì chưa rõ. Hay với sử dụng nước mặt cho nuôi trồng thủy sản quy mô vừa thì đăng ký, quy mô nhỏ thì không quy định.

Các ý kiến cũng đồng tình quan điểm cần quản lý hết sức chặt chẽ nước ngầm, vì nhiều nơi khác thác quá mức dẫn đến sạt lở.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội đồng ý rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để luật hóa tối đa những gì nội dung có thể luật hóa được, tránh chuyện kéo hết các thứ quyền hạn về các bộ.

“Chúng ta vẫn nói câu chuyện phải chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Tránh, giảm, hạn chế chuyện xin cho. Thường bộ nào làm cũng quàng trách nhiệm về cho mình nhưng cuối cùng làm không nổi lại ảnh hưởng các bên khác”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội XII đã có chủ trương rất lớn là kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường, nhưng thực tế làm được rất ít. Nước là 1 loại tài nguyên nên phải bám sát cơ chế thị trường định hướng XHCN trong việc quản lý sử dụng tài nguyên này.

Đồng ý rằng, quản lý bằng giấy phép cũng quan trọng, song ông Vương Đình Huệ cho rằng, đó là tiền kiểm, nên chăng tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm, để các đối tượng tự giác thực hiện. “Nước bao la bể sở thế này thì ngành tài nguyên, các cấp có ngồi trông coi được hết không? Phải quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn để cho tất cả người dân tham gia vào quản lý, khai thác, sử dụng. Có những giấy phép là cần thiết nhưng tôi thấy luật này chưa chú trọng tới tiêu chuẩn, quy chuẩn”, ông Vương Đình Huệ nói./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận