Luật Điện ảnh năm 2022 nghiêm cấm hoạt động điện ảnh có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia...
Thời gian qua, nhiều phim điện ảnh nước ngoài có cài cắm, sử dụng hình ảnh đường lưỡi bò, thể hiện sai lệch chủ quyền biên giới lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Nhiều phim còn có nội dung xuyên tạc lịch sử, trái với thuần phong, mỹ tục và văn hóa Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên VOV, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình, cho rằng cần phải xem lại công tác thanh tra, kiểm tra và ý thức chung của tất cả các nhà mạng, những đơn vị kinh doanh phim trên mạng.
PV: Thưa ông, hiện nay, quản lý phim trên không gian mạng, cơ quan Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ hậu kiểm. Liệu đây có phải là một “lỗ hổng” khiến nhiều phim điện ảnh có lồng ghép hình ảnh về đường lưỡi bò, hay những hình ảnh, nội dung không đúng sự thật về lịch sử Việt Nam được lưu hành trên không gian mạng?
GS-TS Trần Thanh Hiệp: Việc để lọt những phim có hiện tượng vi phạm, động chạm đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên không gian mạng, theo tôi cần phải xem lại công tác thanh tra, kiểm tra và ý thức chung của tất cả các nhà mạng, những nơi kinh doanh phim trên mạng.
Tôi không nghĩ việc hậu kiểm các phim trên không gian mạng là lỗ hổng. Bởi khi thảo luận Luật Điện ảnh, nhiều nhà quản lý, nghiên cứu và những người làm luật đã bàn rất kỹ, trong đó có quan tâm đến những thông lệ quốc tế. Phim trên không gian mạng số lượng rất lớn và sẽ ngày càng lớn. Chúng ta không thể xem xong rồi cấp phép. Mà cơ sở ở đây là người ta phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Còn chúng ta phải có kiểm tra, “thổi còi” và xử phạt thật nghiêm khắc.
PV: Nếu chúng ta chỉ tiến hành hậu kiểm phim trên mạng rồi xử phạt thì đã muộn?
GS-TS Trần Thanh Hiệp: Trong quá trình soạn thảo Luật Điện ảnh, có nhiều ý kiến băn khoăn điều đấy. Những phim phát trên mạng, số lượng phim vi phạm, động chạm đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam không nhiều. Vì thế, các nhà quản lý phải có những biện pháp cứng rắn, có một thái độ kiên quyết đối với những nơi sản xuất hay lưu hành những bộ phim ấy. Chúng ta đã có luật, các nhà mạng, những người kinh doanh phát hành phim trên mạng, phải hiểu luật Việt Nam.
PV: Vậy, ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi để lọt những phim có nội dung đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ đất nước trên mạng trong thời gian qua?
GS-TS Trần Thanh Hiệp: Phim trên không gian mạng có nội dung vi phạm những điều nghiêm cấm trong Luật Điện ảnh, động chạm đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, trách nhiệm chính là nơi phát hành. Tất nhiên, khi người ta vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước phải tỏ thái độ kiên quyết, kịp thời, để hạn chế một cách thấp nhất.
PV: Chẳng hạn, như vừa qua, phim “Người tuyết bé nhỏ” có đưa hình ảnh “đường lưỡi bò”. Sau đó, cơ quan phát hành bị phạt 170 triệu đồng. Theo Giáo sư, mức xử phạt đó đã đủ sức răn đe với đơn vị phát hành phim, khi để xảy ra những sai sót nghiêm trọng như vậy?
GS-TS Trần Thanh Hiệp: Cơ quan quản lý nhà nước đưa ra mức xử phạt đều phải căn cứ vào những quy định của pháp luật, chứ không thể tùy tiện, ngẫu hứng, không thể thấy bức xúc quá thì phạt thật nặng. Những nơi bị xử phạt, người ta vẫn có quyền khiếu nại trên cơ sở pháp luật.
Còn về mức xử phạt, theo tôi, những nhà quản lý điện ảnh phải tính toán làm sao để có chế tài xử phạt nghiêm minh, nghiêm khắc hơn. Dư luận xã hội cũng cần lên án những phim vi phạm pháp luật Việt Nam, lên án những phim xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam.
PV: Vậy theo Giáo sư, với những phim có cài cắm đường lưỡi bò, hay ý đồ chính trị như là xuyên tạc chủ quyền, lãnh thổ, xuyên tạc lịch sử, chúng ta có nên cấm chiếu?
GS-TS Trần Thanh Hiệp: Đúng vậy, chúng ta phải kiên quyết cấm. Chúng ta phải có thái độ rất kiên quyết với những phim đụng chạm đến quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của đất nước mình, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Bởi khi chúng ta cấm, chúng ta đã thể hiện một thông điệp rất rõ ràng đối với các nhà kinh doanh điện ảnh và với những người làm phim rằng, chúng ta sẽ không chấp nhận những việc làm ảnh hưởng đến quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm mà cha ông ta hàng nghìn năm đã bảo vệ.
Với những phim vi phạm pháp luật Việt Nam, nhất là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chúng ta không thể chấp nhận chuyện làm mờ những hình ảnh, những cảnh, phân đoạn đó. Đó là cách làm xuê xoa, nhân nhượng không đáng có.
PV: Cũng có ý kiến là, những tác phẩm điện ảnh chỉ để giải trí đơn thuần, cơ quan quản lý Nhà nước hay Hội đồng duyệt phim không nên áp đặt quan điểm chính trị vào đó?
GS-TS Trần Thanh Hiệp: Tôi có nghe ý kiến này. Nhưng tôi cho rằng, những người nói ra điều đó lại chính là những người sử dụng những tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ cho mục đích chính trị rất rõ ràng. Cho nên quyền tự do nhưng phải trên cơ sở pháp luật. Không thể tự do mà xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước mình.
PV: Những phim có lồng ghép ý đồ chính trị, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ của đất nước chúng ta như vậy, thì có được coi là hiện tượng xâm lăng văn hóa không, thưa ông?
GS-TS Trần Thanh Hiệp: Phim nước ngoài chiếu ở Việt Nam không phải là xâm lăng văn hóa, đấy là chúng ta hội nhập xu thế thế giới. Chúng ta mở rộng cửa đón luồng gió mới, đón những giá trị văn hóa. Thế nhưng, những phim mang ý đồ chính trị, tuyên truyền những điều Luật Điện ảnh Việt Nam cấm, tức là vi phạm những giá trị cốt lõi của chúng ta về văn hóa, thì đấy là những phim đang tham gia vào một cuộc xâm lăng văn hóa.
PV: Xin cảm ơn ông.
Trường Giang/Phát thanh Quân đội