“Quy hoạch phải tiếp cận dựa trên môi trường và hệ sinh thái, giải quyết được bài toán trong không gian phát triển của vùng bờ, lựa chọn được hướng phát triển kinh tế nhất”. Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, diễn ra chiều 4/8.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch đặt mục tiêu quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế và cải thiện mức sống của cộng đồng dân cư ven biển, gắn với bảo tồn, phát triển giá trị tự nhiên, văn hoá; chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, đến năm 2030, mục tiêu phát triển thành công đột phá các ngành kinh tế biển ở vùng bờ theo hướng hiện đại, xanh, tuần hoàn thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ số, góp phần đạt mục tiêu kinh tế biển chiếm khoảng 10% GDP và kinh tế của 28 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có biển có mức tăng trưởng đạt trên 7,5%/năm.
Với tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch đặt vùng bờ thành trung tâm phát triển kinh tế - văn hoá sôi động, thu hút đầu tư và là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, kết nối giao thương giữa việt nam với quốc tế; đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển; đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…
Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng: Quy hoạch cần thể hiện rõ tính liên ngành, trên nền tảng sử dụng tổng hợp tài nguyên vùng bờ để phát triển tất cả các ngành liên quan. GS.TS Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu nêu ý kiến: "Làm rõ mối quan hệ giữa nội dung và không gian giữa quy hoạch vùng bờ và quy hoạch không gian biển. ngoài điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội vùng bờ cần dựa vào đặc điểm mức độ tổn thương tài nguyên vùng bờ, trong đó có nguy cơ ô nhiễm môi trường và khả năng chống chịu môi trường để đặt hoặc điều chỉnh những hoạt động kinh tế xã hội hiện nay phù hợp hơn với đặc trưng cơ bản là mức độ tổn thương, mức độ chống chịu."
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Nhiều năm qua, vấn đề khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được các bộ ban, ngành, các địa phương đưa ra thảo luận và tìm giải pháp quản lý, khai thác.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có Quy hoạch, với cơ chế, công cụ đồng bộ để quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, từ đó hoạch định rõ phạm vi điều chỉnh của quy hoạch, cơ sở khoa học để tính toán phạm vi đối tượng áp dụng; đưa ra cơ chế quản lý tổng hợp, cơ chế điều phối giữa các ngành với vùng bờ. Quy hoạch phải tiếp cận dựa trên môi trường và hệ sinh thái, giải quyết được bài toán trong không gian phát triển của vùng bờ, lựa chọn được hướng phát triển kinh tế nhất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: "Phải tiếp thu đầy đủ về mặt đảm bảo chính xác các mặt thông tin, quy hoạch này có thể đưa những tài nguyên, định hướng mang tính chát định hình mang tính chất sử dụng, cơ chế khai thác sử dụng của vùng bờ, của vùng biển ven bờ như thế nào, phải tính toán. Chúng ta cũng có thể đưa những cái gần như chúng ta không thể thay đổi được nữa mà chúng ta phải khẳng định. Phải nghiên cứu để đảm bảo sự thống nhất”.
Theo VOV.VN