Vấn đề giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và phương pháp xác định giá đất là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, đến nay điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, quy định rõ chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống.
Đối với chính sách giao đất ở, đất sản xuất, dự thảo Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất.
Đồng tình với quy định này, tuy nhiên đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn thành phố Hà Nội kiến nghị: “Phải làm rõ quản lý. Đất của Nhà nước hỗ trợ cho các hộ dân, đồng bào dân tộc không được mua bán, ghi vào trong Luật như thế. Giao 1-2 năm, bằng hình thức này, hình thức khác các chủ kinh doanh lại hợp thức hóa đất thì không được. Tôi nghĩ rằng đưa vào trong Luật này về cách thức quản lý. Diện tích đất cấp và hỗ trợ cho nông dân theo tôi phải có một chính sách quản lý đặc biệt. Nếu không sử dụng nữa thì trả lại cho Nhà nước. Nếu không cuối cùng là Nhà nước cũng chạy theo dân cũng không thể được”.
Dự thảo Luật cũng chỉnh sửa quy định về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện. Theo đó, đồng bào dân tộc thiểu số được tặng cho người thuộc hàng thừa kế và để thừa kế; được để lại cho thành viên trong hộ gia đình tiếp tục sử dụng đất sản xuất được giao, cho thuê. Đồng thời bổ sung quy định về thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, lần này dự thảo Luật quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, trên 10 ha là trường hợp đấu thầu, không phân biệt loại đất thực hiện dự án; dưới 10 ha và không sử dụng đất ở là trường hợp đấu giá; dưới 10 ha và có sử dụng đất là trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có.
Quy định theo hướng này nhằm xác định rõ ràng ngay trong Luật các trường hợp đấu thầu, đấu giá, thảo thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để địa phương thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn đề nghị làm rõ cơ sở đưa ra tiêu chí 10 ha, do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị: “Chúng ta hãy chọn những các loại nào là phải để cho người dân được thỏa thuận còn lại thu hồi. Theo tôi, có 3 nhóm nên để cho người dân thảo thuận. Nhóm thứ nhất là người dân với doanh nghiệp, người ta thỏa thuận với nhau chung đất lại làm, trong trường hợp này hoàn toàn có quyền tự thỏa thuận.
Thứ hai, dạng Nhà nước cũng cần phê duyệt, người dân góp đất dư dạng cổ phần, phần đất người ta người ta vẫn có quyền đó, vậy thì người ta có quyền tự thỏa thuận. Thứ ba là dạng là tự điều chỉnh, nhà này thụt vào ít nhà, nhà đi phá 1 phần để làm đường đi chung, trong trường hợp đó người ta để thỏa thuận”.
Các đại biểu cũng cho rằng, về phương pháp xác định giá đất, phương pháp thặng dư là phương pháp khoa học, được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia trên thế giới. Bổ sung phương pháp thặng dư là một trong những phương pháp xác định giá đất nhưng ràng buộc điều kiện “phải sử dụng ít nhất 1 phương pháp khác để có sự so sánh và sẽ chọn phương pháp nào mà kết quả xác định tiền sử dụng đất cao hơn thời điểm so sánh”. Các ý kiến khác thì đề nghị giữ nguyên như trong sự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vì phương pháp thặng dư có nhiều yếu tố phải giả định, tính toán như doanh thu phát triển, chi phí phát triển, trong khi hiện nay còn thiếu cơ sở dữ liệu và căn cứ để giả định, tính toán./.
Lại Hoa/VOV1