Ngăn chặn hình thành 'gia tộc quyền lực'

Việc Bộ Chính trị quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành sẽ hạn chế việc hình thành "gia tộc quyền lực".

 

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, thay thế Quy định 205 đã ban hành trước đó.

Một trong những điểm đáng chú ý của Quy định 114, Bộ Chính trị yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Siết chặt bổ nhiệm nhân sự ngành "nhạy cảm"

Trả lời PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá, Quy định 114 tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Trung ương và Bộ Chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể hơn đó là gắn liền kiểm soát quyền lực với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Nếu không kiểm soát tốt quyền lực, để cán bộ có chức, có quyền lộng quyền, lạm quyền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi riêng thì mọi cố gắng của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ bị cản trở, thậm chí là rơi vào hình thức", ông Phúc nhấn mạnh.

Nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, phải quy định những vấn đề rất cụ thể, kiểm soát quyền lực bằng cơ chế, bằng chính sách, bằng những quy định. Và Quy định 114 đã hiện thực hoá điều đó.

Trong đó, quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành chính là cơ chế đã được xác định rõ hơn, cụ thể hơn để kiểm soát quyền lực.

"13 ngành mà Bộ Chính trị chỉ mặt là những lĩnh vực rất nhạy cảm, đụng đến vấn đề quản lý ngân sách, tiền bạc, dự án, gắn với lợi ích vật chất. Cùng đó là các ngành thực thi quyền lực, thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật… dễ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác", ông Phúc nói.

Theo nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), kiểm soát quyền lực không chỉ là kiểm soát những người có chức, có quyền trong thi hành công vụ mà còn phải kiểm soát họ dùng quyền lực trong công tác cán bộ.

Xoá bỏ "ô dù" trong công tác cán bộ

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, ngăn chặn việc bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở một số ngành cụ thể là chủ trương đúng đắn.

Dẫn câu nói "nhất thân, nhì quen, tam quyền, tứ chế" (có người thân làm chức to, có quyền hành thì nếu nhờ vả chắc chắn sẽ gặp thuận lợi), ông Túc cho rằng những năm qua, báo chí phản ánh nhiều địa phương tồn tại hiện tượng "cả nhà làm quan", "cả họ làm quan".

Có thể kể đến trường hợp ông Triệu Tài Vinh, khi làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, dư luận cho rằng có 8 người nhà đều giữ vị trí chủ chốt của các ban ngành, địa phương trong tỉnh. Thông tin này sau đó được ông Vinh xác nhận và cho rằng không nên nhìn vào hiện tượng của sự việc mà nên nhìn vào bản chất của sự việc như quy trình bổ nhiệm cán bộ, điều kiện, năng lực, hiệu quả làm việc của người được bổ nhiệm.

Trước đó, vào năm 2017, trong cuộc họp báo định kỳ, Bộ Nội vụ công bố thông tin về vấn đề dư luận, báo chí phản ánh việc "cả họ làm quan" ở một số địa phương. Theo đó, có 9 địa phương, đơn vị dính đến thực trạng này gồm: Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thuộc Tổng cục thuế - Bộ Tài chính), Yên Bái, Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng.

Qua kiểm tra, số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương, đơn vị là 58 người (quan hệ ruột thịt: 18, quan hệ họ hàng: 40). Ngoài ra, Bộ Nội vụ phát hiện một số tồn tại trong công tác bổ nhiệm như thiếu tiêu chuẩn, chứng chỉ, năm công tác, sai trình tự thủ tục…

"Những sự việc đó để lại hệ lụy lớn cho xã hội. Nhân dân mất niềm tin vào công tác cán bộ, họ cho rằng Nhà nước đang lãng phí nguồn nhân lực xã hội đối với những người có tài nhưng không được trọng dụng bởi cơ chế "ô dù" hay con ông cháu cha", ông Túc nói.

Ông Nguyễn Túc cũng nhắc lại sự việc gần đây nhất, năm 2020, ông Nguyễn Nhân Chinh - Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Ninh phân công, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025. Thời điểm đó, bố của ông Nguyễn Nhân Chinh là ông Nguyễn Nhân Chiến đang giữ cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh.

Theo ông Túc, năm 2020, Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (ban hành năm 2019) nêu, không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cùng cấp ủy; Chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan Nội vụ, Thanh tra cùng cấp ở một địa phương…

"Như vậy, trong quy định chỉ cấm nếu bố làm Bí thư thì con không làm Phó Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cùng cấp ủy..., còn không có quy định bố làm Bí thư Tỉnh ủy thì con không được làm Bí thư Thành ủy", ông Túc phân tích.

Tại Quy định 114, bên cạnh việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành, thì Bộ Chính trị cũng yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng Ban Thường vụ cấp ủy, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Cùng đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người nhà cùng làm người đứng đầu hoặc cấp phó cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ông Nguyễn Túc nêu, nếu áp vào Quy định 114 thì việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh phân công, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Bắc Ninh đối với ông Nguyễn Nhân Chinh khi bố ông Chinh đang đương kim Bí thư Tỉnh ủy là sai quy định.

Ông Túc cũng nhìn nhận, trong lịch sử, hiện tượng "cha truyền con nối", "cả nhà làm quan" trên các lĩnh vực chính trị, sản xuất - kinh doanh, văn hóa - nghệ thuật… khá phổ biến. Những gia đình có nhiều thành viên thành công trên cùng lĩnh vực thể hiện tính kế thừa.

Việc kế thừa, phát huy truyền thống gia đình trong hoạt động chính trị là điều đáng mừng, nhưng ông Túc lưu ý, để tránh dư luận xã hội, phải căn cứ vào uy tín, hiệu quả trong công việc làm thước đo đánh giá năng lực.

Việc sử dụng, bố trí, bổ nhiệm cán bộ theo đúng quy trình nhưng phải theo nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ thực sự.

"Nếu không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao thì phải báo cáo và được cấp trên đồng ý trước khi bố trí.

Nếu là chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương quản lý,

tổ chức Đảng phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh do Trung ương quản lý thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền", ông Túc dẫn Quy định 114.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).Quy định được lượng hoá cụ thể

Quy định 114 cũng nêu rõ 8 hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và 6 hành vi chạy chức, chạy quyền.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, những gạch đầu dòng, những hành vi, biểu hiện cụ thể được Bộ Chính trị đưa vào Quy định là sự tổng kết của quá trình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quá trình thực hiện công tác cán bộ.

Trong kiểm soát quyền lực, càng quy định cụ thể bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu cho việc thực thi và tránh những kẽ hở. Càng cụ thể những hành vi bị cấm thì người có cơ hội lợi dụng quyền lực để thực hiện ý đồ tham nhũng càng giảm.

"Đây là một bước lượng hoá những hành vi chạy chức, chạy quyền, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực… Sự rõ ràng, mạch lạc trong quy định sẽ giúp các tổ chức, cơ quan căn cứ vào đó để thực thi", vị chuyên gia nói.

Theo ông Phúc, xây dựng được quy định đã là khó nhưng thực hiện càng khó hơn. Chúng ta phải chọn được người, phải tìm ra những nhân tố then chốt để thực hiện quyền lực và kiểm soát cho được quyền lực trong công tác cán bộ.

Những nhân tố then chốt đó trước tiên là người lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị tham mưu và kiểm tra, thanh tra trong công tác cán bộ.

"Người lãnh đạo, người đứng đầu phải kiểm soát cho được quyền lực của hệ thống nhiều tầng, nhiều bộ phận để tránh tình trạng "mua chức, bán quyền" cùng những hệ lụy khác. Đặc biệt, những nhân tố then chốt này phải là người đủ tầm, đủ tâm, đủ tài, đủ trách nhiệm. Người có tầm không đủ sẽ không biết làm thế nào, còn có tâm không sáng thì sẽ không vô tư khách quan và dễ bị lôi kéo", ông Phúc cho hay.

Một điểm nữa mà PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc lưu ý với người lãnh đạo, người đứng đầu là phải quản lý, giám sát cán bộ.

Việc quản lý, giám sát càng tốt thì càng phát hiện được những cán bộ giỏi, cán bộ tốt để bồi dưỡng, để phát triển. Đồng thời cũng có thể dễ dàng nhận ra những người cán bộ cơ hội, có động cơ cá nhân, chủ nghĩa cá nhân.

"Đánh giá cán bộ, quản lý cán bộ, giám sát cán bộ, từ đó kiểm soát quyền lực, phải được thực hiện nghiêm túc từ Trung ương đến cơ sở. Bởi vì phần tử cơ hội rất khôn ngoan, tinh vi, phải sớm phát hiện để tu dưỡng nếu mắc khuyết điểm nhỏ và loại bỏ khỏi bộ máy nếu lỗi lầm lớn, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức", ông Phúc nói thêm.

Liên quan đến công tác giám sát, ông Nguyễn Túc đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của quần chúng Nhân dân bởi "tổ chức Đảng không phải chỗ nào cũng có nhưng chỗ nào cũng có dân".

Mặt khác, theo ông Túc, trong cấp ủy vẫn tồn tại tình trạng "đấu tranh thì tránh đâu", nhiều đảng viên thấy cái sai, cái tiêu cực nhưng vì lý do khách quan hoặc chủ quan lại không dám đấu tranh.

"Nhiều vụ án tham nhũng lớn là dân phát hiện và tố cáo. Người dân biết rõ ông cán bộ này là con ai, cháu ai, có ai đỡ đầu, ai bao che… Phải thực hiện thật tốt, thật mạnh luật dân chủ ở cơ sở để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng", ông Túc nói.

ANH VĂN/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận