Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, hàng chục thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau các kết luận, đến nay đã có hàng trăm tổ chức đảng, hàng chục nghìn đảng viên bị kỷ luật do có vi phạm.
Đáng chú ý, nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng xảy ra từ lâu đã được kiểm tra, xử lý dứt điểm, nhất là các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, tài sản, đầu tư công; những vụ việc vi phạm mới phát sinh được phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời như các vi phạm trong công tác phòng chống dịch Covid-19, vụ “chuyến bay giải cứu”...
Làm nghiêm, không có vùng cấm
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận 16 tổ chức Đảng và 29 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 7 đảng viên.
UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 12 tổ chức Đảng và 22 đảng viên; yêu cầu tổ chức Đảng cấp dưới xem xét, xử lý kỷ luật 14 tổ chức đảng và 12 đảng viên.
Tại hội nghị sơ kết 1 năm thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Trần Văn Rón – Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, UBKT các cấp đã chủ động nắm tình hình, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với các cơ quan nội chính, tư pháp, thanh tra, điều tra, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Các cuộc kiểm tra, giám sát đã chú trọng vào công tác xây dựng, ban hành thể chế về mặt chính sách.
Bước đầu qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những chồng chéo, sơ hở trong các quy định của Đảng, chính sách pháp luật để làm sao tiếp tục khắc phục cơ chế xin – cho, lợi ích nhóm, từ đó tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình…
Việc kiểm tra, xử lý kỷ luật các tổ chức Đảng, cá nhân vi phạm về tham nhũng, tiêu cực thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, nghiêm minh, đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Bên cạnh đó, gắn kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ, xử lý kịp thời việc miễn nhiệm, từ chức theo quy định.
“Công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua đã góp phần tích cực, có tác dụng răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa rất hiệu quả đối với các vi phạm về tham nhũng, tiêu cực. Sau kiểm tra đã chỉ rõ các vi phạm, khuyết điểm để các tổ chức, cơ quan, đơn vị khắc phục, sửa chữa để nội bộ trong sạch, đoàn kết, thống nhất, góp phần giữ vững, ổn định chính trị, phát triển KT-XH, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ”, ông Trần Văn Rón cho biết.
Những chuyển biến nổi bật
PGS.TS Lê Văn Cường – Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng có nhiều chuyển biến nổi bật. Cụ thể, công tác này ngày càng có nhiều đổi mới, tăng cường, trong đó, việc kiểm tra đi trước một bước tạo tiền đề, mở đường cho các cơ quan pháp luật vào cuộc, xử lý nghiêm minh các sai phạm trong những vụ việc gần đây là một bài học thực tiễn sinh động cần tiếp tục phát huy và nhân rộng.
“Nếu như trước đây có tình trạng đùn đẩy, né tránh, thì lần này chúng ta xác định kiểm tra phải đi trước một bước, chủ động chứ không chờ vào kết luận của thanh tra, cơ quan điều tra rồi mới xử lý. Ví dụ, cơ quan kiểm tra vào cuộc thấy có dấu hiệu vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, nhất là công tác tập trung dân chủ thì cơ quan kiểm tra chủ động làm trước về mặt Đảng như đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ chức vụ trong Đảng. Tiếp đó sẽ phối hợp với cơ quan điều tra, nếu có dấu hiệu về mặt hình sự thì tiếp tục xử lý cả về mặt hành chính và hình sự”, ông Lê Văn Cường phân tích.
Vị chuyên gia này đồng thời nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, tính chủ động của Ủy ban Kiểm tra trong việc phòng ngừa, phát hiện vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, không để vi phạm của một người thành vi phạm của nhiều người được thể hiện rất rõ.
Theo Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, ngoài việc tăng cường sự thống nhất trong toàn Đảng và hệ thống chính trị về việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng theo đúng phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, thì việc hoàn thiện hơn nữa thể chế nhằm đấu tranh ngày một hiệu quả hơn với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong nội bộ là bước tiến nổi bật.
Ngay sau Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 22 thay thế Quy định 30 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, trong đó bổ sung nhiều quan điểm, tư tưởng mới; Bộ Chính trị ban hành Quy định 69 về kỷ luật Đảng, đảng viên vi phạm; Quy định 37 thay thế quy định 47 về những điều đảng viên không được làm, kịp thời bổ sung nhiều điểm mới mà thực tiễn phát sinh, như hành vi chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định...
Điều quan trọng, Quốc hội và cơ quan hành pháp cũng đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng thành các quy định sao cho đồng bộ.
“Đây là những đột phá về mặt thể chế, để dựa vào đó các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp có cơ sở vận dụng sao cho đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, cũng như thống nhất cả về phía Đảng và chính quyền”, ông Lê Văn Cường cho biết.
Cũng theo PGS.TS Lê Văn Cường, công tác kiểm tra, giám sát góp phần rất quan trọng vào cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần chuyển biến rất rõ nét từ trong nhận thức đến triển khai tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả cao, được cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ.
Cấp ủy Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã vào cuộc một cách quyết liệt, phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ những hành vi tiêu cực, sai phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ cương vị lãnh đạo. Không chỉ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực công mà còn mở rộng sang khu vực tư bởi những vi phạm cũng làm băng hoại các giá trị, làm tha hóa con người và mất cán bộ, điển hình như vụ Việt Á vừa qua.
“Đặc biệt, trong xử lý kỷ luật đảng viên, chúng ta rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, mục đích chính là làm cho tổ chức Đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục, chứ không phải mang công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật ra để trừng trị, cốt xử cho nặng”, ông Lê Văn Cường nhấn mạnh.
Kim Anh/VOV.VN