Đi qua nửa nhiệm kỳ, Đà Nẵng hướng đến một thành phố đáng sống và đáng đến

Đà Nẵng đã đi qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, địa phương đã chú trọng về đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa.

 

Nghị quyết 43 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu “Đầu tư phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng phát triển bền vững, xây dựng “thành phố đáng sống”.

Đến nay, Đà Nẵng đã đi qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, địa phương đã chú trọng về đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa.

Cắt băng khánh thành Di tích Chiến thắng Lệ Sơn, huyện Hòa Vang (9/2022).

Cuối năm 2020, cụm di tích lịch sử Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liêu Chiểu, thành phố Đà Nẵng được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh, thành phố. Ngay sau đó, thành phố đầu tư kinh phí trùng tu nâng cấp các hạng mục trong cụm di tích này. Cụm di tích này gồm 7 di tích là đình Nam Ô, lăng Ông, dinh Âm Linh, nghĩa trủng Nam Ô, miếu bà Liễu Hạnh, miếu bà Bô Bô, giếng Lăng.

Phạm vi cụm di tích này trước đó nằm trong khuôn viên dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô do Tập đoàn Trung Thủy làm chủ đầu tư. Nhà đầu tư đã giải tỏa 700 hộ dân và có kế hoạch giải tỏa cả 7 di tích trong cụm di tích. Trước sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân, các nhà nghiên cứu văn hóa, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã quyết tâm giữ lại cụm di tích quý giá này.

Hiện nay, sau khi được trùng tu, tôn tạo, cụm di tích này trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng văn hóa của người dân làng Nam Ô. Hàng tháng, thành phố còn dành kinh phí để bảo vệ, tu sửa nhỏ di tích. Từ 2 năm nay, cứ đến ngày Rằm tháng Giêng, tại cụm di tích Âm linh diễn ra tế lễ, cúng những âm hồn không nơi nương tựa của các chư phái tộc. Rằm tháng hai, tại lăng Ông, người dân tổ chức lễ hội cầu ngư. Đến ngày 20/2 âm lịch, là nghi lễ biết ơn tổ tiên tại miếu bà Liễu Hạnh. Đình làng Nam Ô trở thành nơi cúng bái cầu an của cả làng Nam Ô.

Ông Trương Văn Đô, Bí thư Chi bộ Nam Ô 1, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, người dân rất vui khi cụm di tích lịch sử được gìn giữ tôn tạo, người dân được hưởng lợi từ thiết chế văn hóa này.

 "So với trước đây, sau khi thành phố xây dựng kiến thiết lại, nhân dân rất phấn khởi, có một nơi thờ tự khang trang, nhân dân đồng tình bầu ra Ban quản lý và bảo vệ gìn giữ và tu sửa nhỏ, cố gắng giữ gìn và tu sửa chăm sóc hàng ngày cụm di tích này", ông Đô chia sẻ thêm.

Nhiều đình làng được nâng cấp tu tạo trong nửa nhiệm kỳ qua.

Quận Liên Chiểu dưới chân đèo Hải Vân là điểm dừng chân đầu tiên trên đường từ Bắc vào Nam của người Việt khi mở mang bờ cõi về phía Nam. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa mang đậm dấu ấn giao thoa văn hóa Chăm - Việt. Thế nhưng, trong quá trình đô thị hóa, nhiều di tích bị các mảng bê tông phá vỡ cảnh quan. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, quận Liên Chiểu quan tâm đầu tư tu bổ các thiết chế văn hóa, chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị.

Cùng với cụm di tích Nam Ô, mấy năm gần đây, quận Liên Chiểu được thành phố Đà Nẵng hỗ trợ đầu tư tôn tạo nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với đời sống người dân. Đó là Di tích lịch sử - văn hóa “Miếu Tam Vị”; Di tích lịch sử “Mộ ngài tiền hiền Phan Công Thiên”; Di tích lịch sử “Đền tưởng niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Liệt sĩ phường Hòa Hiệp Nam”; Đình làng Hòa Mỹ; Đình làng Kim Liên... Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, quận Liên Chiểu đã và đang thực hiện trùng tu, cải tạo 11 di tích với tổng kinh phí đầu tư hơn 97 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 11 công trình văn hóa với kinh phí hơn 110 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, từ đầu nhiệm kỳ này, cùng với sự đầu tư của thành phố, quận cũng dành nguồn lực thích đáng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa.

"Lãnh đạo thành phố cũng như Sở Văn hóa, Thể thao đã hỗ trợ Liên Chiểu có những nguồn lực vật chất cũng như cơ chế chính sách để Liên Chiểu thực hiện trùng tu, duy tu bảo dưỡng, tôn tạo các công trình văn hóa trên địa bàn, nhất là các di tích văn hóa liên quan làng xã như đình làng, các căn cứ cách mạng của thành phố trên địa bàn quận Liên Chiểu. Quận ủy Liên Chiểu cũng luôn tập trung thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, nhất là các hoạt động duy tu bảo dưỡng, quy hoạch lại các công trình văn hóa để đầu tư xây dựng phục vụ cho chính đời sống văn hóa tinh thần người dân Liên Chiểu", Bí thư Quận ủy Liên Chiểu thông tin thêm.       

Công trình Đài tưởng niệm thành phố.Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã chú trọng cho việc đầu tư tu bổ các thiết chế văn hóa, trùng tu di tích văn hóa. Ngày 22/10/2020, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở đến năm 2025. Theo đó, thành phố bố trí hơn 742 tỷ đồng xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Quá trình đầu tư, thành phố ưu tiến cho những công trình gắn với đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng hướng đến mục tiêu giải quyết mức độ hưởng lợi cho người dân. Ngoài ra, hàng loạt dự án về văn hóa cũng được đầu tư xây dựng như “Công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng”, kinh phí 505 tỷ đồng; công trình “Nâng cấp, tôn tạo Đài tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29 Tháng 3 với kinh phí 212 tỷ đồng; Dự án trùng tu Hải Vân Quan mức đầu tư 42 tỷ đồng; Công trình công viên bên ngoài di tích quốc gia nghĩa trủng Hòa Vang khoảng 13 tỷ đồng…

Dự án “Công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng”, thành Bảo tàng Đà Nẵng.

Mới đây, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thông qua dự án xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm - cơ sở 2 tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ, ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ với tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng.

Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Nửa nhiệm kỳ qua, lãnh đạo thành phố từ ban Thường vụ, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố rất quan tâm đến xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Thể hiện ở Đề án bảo tồn phát huy thiết chế văn hóa cơ sở. Bên cạnh đó Nghị quyết 303 của HĐND thành phố thể hiện rất rõ quyết tâm xây dựng thiết chế văn hóa. Nửa nhiệm kỳ qua, thực tiễn đặt ra đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, theo thực hiện Nghị quyết của Đại hội, thành phố cũng đáp ứng được tương đối đảm bảo trong khả năng ngân sách của mình. Đặc biệt Sở Văn hóa rất quan tâm đến xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đó là các đình làng được công nhận di tích cấp thành phố, tham mưu cho thành phố đầu tư. Chính cái đó thể hiện được văn hóa làng - cốt cách của văn hóa dân tộc, tạo được sức hút về văn hóa, niềm tin, nhân dân rất phấn khởi và được định lượng nhất định để đánh giá được sự quan tâm của thành phố đối với văn hóa”.

Đà Nẵng cũng là địa phương tiên phong thực hiện “Thành phố môi trường”, “Đô thị sinh thái”, xây dựng thành điểm đến yêu thích của hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Thu hút khách du lịch, gắn với bảo vệ môi trường luôn là quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 với tổng kinh phí 15.546 tỷ đồng được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt cho thấy quyết tâm của thành phố trong công tác bảo vệ môi trường.

Thực tế cho thấy, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo ở Đà Nẵng ngày càng phát huy hiệu quả, như: “Thùng rác môi trường”, “Tận dụng vải bạt cũ may túi đi chợ", “Gian hàng 0 đồng từ phân loại rác thải”... Sau mỗi đợt mưa lũ, thiên tai, rác theo dòng nước từ thượng nguồn đổ vào vùng biển Đà Nẵng, không ai bảo ai, từ cán bộ, công chức, viên chức đến thanh niên, người già, trẻ nhỏ trên toàn thành phố đều chung tay dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải, góp phần tạo nên một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, sạch sẽ, yên bình và lãng mạn.

Đến nay, các cấp, ngành, địa phương của thành phố Đà Nẵng đều ban hành những quy định về chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, người dân trong giao tiếp, phong cách làm việc ngắn, gọn, sát thực tế. Đà Nẵng cũng đưa ra những quy tắc ứng xử văn hóa trong ngành du lịch như luôn chào hỏi; nói lời cảm ơn, xin lỗi; không đeo bám, chèo kéo du khách; xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ công cộng; giúp đỡ người lớn tuổi, người già, tàn tật, trẻ em. Ngoài ra, trong bộ quy tắc này cũng yêu cầu người dân, du khách không thể hiện tình cảm quá mức nơi công cộng; không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi; không viết vẽ bậy lên di tích…

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (áo khoác đen) thường xuyên kiểm tra đôn đốc các Dự án công trình văn hóa.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Chúng tôi đưa ra rất nhiều chỉ tiêu, ví dụ như 80% số phường xã phải có trung tâm văn hóa, tất cả các quận huyện đều phải có trung tâm văn hóa đảm bảo quy mô, không gian văn hóa cho nhà thiếu nhi, rồi vườn dạo công viên trong đó... Thành phố tăng nguồn lực đầu tư cho văn hóa, vẫn đầu tư bằng và cao hơn mức trong trung hạn sắp tới. Chúng tôi rất quan tâm vấn đề này. Nhưng cần cân đối cho hài hòa giữa mong muốn đầu tư và nguồn lực của thành phố trong trung hạn và trong giai đoạn sắp đến. Chúng tôi cũng hết sức lưu ý vấn đề không gian văn hóa cộng đồng. Chúng tôi cũng hết sức quan tâm đến vấn đề phải đa dạng hóa môi trường để các loại hình nghệ thuật có không gian biểu diễn phục vụ”.

Bây giờ, thành phố đã nâng tầm chiến lược trong xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa, văn minh. Các mô hình sống xanh, bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em mồ côi, văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông… đã và đang diễn ra rộng khắp địa bàn khu dân cư, tổ dân phố, ai cũng có thể cảm nhận môi trường sống ở Đà Nẵng ngày càng yên bình, hạnh phúc.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

 

Bình luận

    Chưa có bình luận