Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có 12 điều. Nghị quyết với 44 cơ chế chính sách gồm 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết 54; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế đang quá trình trao đổi, thông qua thời gian tới mà TP.HCM được đi trước; 27 cơ chế, chính sách chỉ dành riêng cho TP.HCM.
Trong các cơ chế chính sách mới, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) được kỳ vọng giúp TP.HCM tận dụng được không gian dọc các tuyến Metro, Vành đai 3; mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu; thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách Thành phố…
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đây là cơ chế, chính sách đặc thù khổng lồ nhất từ trước đến nay mà Quốc hội thông qua. "Điều này thể hiện, so với các địa phương khác, TP.HCM đã tiên phong đi đầu. Ngoài ra 27 cơ chế chính sách chỉ riêng TP.HCM thể hiện sự vượt trội riêng có. Ngay cả Hà Nội, có Luật Thủ đô, là nơi có luật riêng nhưng cũng không có được cơ chế chính sách đặc thù như thế này" - ông Cường nói.
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm
Tiến sỹ Trần Du Lịch phân tích, Nghị quyết 98 gồm cơ chế và chính sách. Về cơ chế, Nghị quyết tập trung vấn đề phân cấp phân quyền trong 5 lĩnh vực, làm sao không còn cảnh xin - cho về công vụ; không còn cảnh sở hỏi bộ, hỏi qua hỏi lại, ai cũng biết việc của mình.
Làm sao cơ chế minh bạch ra. TP.HCM xác định được việc nào của mình, nếu không làm thì chịu trách nhiệm, việc nào của bộ, ngành. Đích đến là có mô hình phù hợp với một siêu đô thị như TP.HCM.
Về chính sách, cần phải làm rõ ngân sách tài chính, Thành phố không xin "cái bánh" đang có mà làm sao "cái bánh" lớn lên, Thành phố được và cả nước được, không đụng bất cứ địa phương nào.
Theo ông Lịch, nguồn lực của thành phố là “cực lớn” gồm công cụ tài chính (đi vay, tự vay tự trả), thuế phí, nguồn lực tài sản công và đặc biệt là nguồn lực từ quá trình đô thị hóa, là "con gà đẻ trứng vàng" khi thực hiện mô hình TOD…Nếu huy động được 4 nguồn lực này, thành phố thừa sức đóng góp nhiều hơn cho Trung ương và có nguồn lực đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, ông Trần Du Lịch cho rằng, thành phố cần phải làm đồng hành 3 vấn đề là thể chế, tổ chức bộ máy vận hành và cán bộ công chức. Phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng cũng như có cơ chế bảo vệ, làm rõ trách nhiệm để an tâm cống hiến.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng đánh giá, việc Nghị quyết 98 được thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối, là thành công không chỉ với riêng TP.HCM mà còn là của cả nước. Trong bối cảnh tốc độ phát triển của thành phố đang chậm lại, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ e dè, không dám làm thì việc có một Nghị quyết với các cơ sở pháp lý, một thể chế đảm bảo là rất quan trọng.
Để hiện thực hóa Nghị quyết, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần phải thực hiện một số việc quan trọng. Trước mắt, cần phải thống nhất quan điểm nhận thức thực hiện Nghị quyết mới hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của thành phố, là việc riêng của TP.HCM mà phải là sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ Trung ương. Thứ hai là cần phải có sự phối hợp hành động giữa thành phố với các địa phương xung quanh.
Đặc biệt, vai trò của yếu tố con người là rất quan trọng. Nghị quyết có ưu việt đến đâu thì con người vẫn là then chốt. Tổ chức bộ máy, chức năng của TP.HCM phải khác với các tỉnh, thành khác. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nghị quyết mới có thêm nhiều cơ chế khuyến khích như: Thành phố được tự quyết việc trả lương, trả thù lao, hỗ trợ. Việc tự quyết gắn liền với đòi hỏi công việc chứ không phải là thiết kế bộ máy.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, làm sao nâng cao bộ máy chịu trách nhiệm về mặt cá nhân, chịu trách nhiệm về mặt công việc rõ ràng. Đây là điều kiện quan trọng hàng đầu để hiện thực hóa nghị quyết này.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhiều lần nhắc đến vấn đề “tâm thế” cán bộ. Theo ông Mãi, hiện nay khối lượng công việc thành phố phải giải quyết là rất lớn. Khi chưa thực hiện Nghị quyết 98 thì đâu đó đã có sự tồn đọng công việc, do đó nếu không xốc lên mà làm với tâm thế mới thì sẽ rất khó để triển khai nghị quyết có hiệu quả.
"Khi chưa có Nghị quyết 98 chúng ta đi xin cơ chế. Giờ có cơ chế, chỉ có hành động. Chúng ta chưa thực hiện Nghị quyết 98 với khối lượng hiện tại mà đã tồn đọng. Nếu chúng ta thực hiện Nghị quyết 98 mà với tinh thần này thì rất khó. Cho nên phải thay đổi mới tải được công việc thường xuyên và Nghị quyết 98"- ông Mãi phân tích.
Hiện TP.HCM đang rất khẩn trương chuẩn bị về tâm thế, các nội dung, điều kiện và thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương, các viện, trường, các chuyên gia để cụ thể hóa hơn các cơ chế, chính sách, sắp xếp ưu tiên để triển khai trong thời gian sắp tới. Thành phố xác định, việc triển khai Nghị quyết sẽ gặp nhiều khó khăn nên sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương, các chuyên gia để chuẩn bị tốt nhất./.
Theo VOV.VN