5 luật có hiệu lực từ 01/7/2023

Đó là: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số...

 

5 luật được Quốc hội khóa XV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Dầu khí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Không thể lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm 6 chương, 56 điều.

Luật được tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự. Bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật 2022 đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung "Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình", trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.

Luật Dầu khí (sửa đổi): Tạo thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư

Một giàn khai thác dầu khí của PVN. (Nguồn: TTXVN)Luật Dầu khí gồm 11 chương, 69 điều. 

Luật dầu khí bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư (từ Điều 26 đến Điều 41, Chương IV).

Bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.

Bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí.

Bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí

Bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm tạo cơ chế đột phá, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước

Tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí; phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt việc sử dụng vốn của Tập đoàn và doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra giám sát.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Công dân thực hiện dân chủ tại nơi mình cư trú.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương, 91 điều.

Quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú.Cơ sở là xã, phường, thị trấn (cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị); tổ chức có sử dụng lao động.

Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú.

Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định.

Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.

Quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của  cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện: Hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng.

Cụ thể, luật bổ sung quy định về đặt ra giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần di động công cộng mặt đất mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong một băng tần hoặc trong  một nhóm băng tần xác định.

Ảnh minh họa.Cho phép cấp phép kèm theo điều kiện sử dụng đối với các trường hợp đặc biệt sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch bao gồm: sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế.

Làm rõ trường hợp nào thực hiện cấp giấy phép sử dụng tần số thông qua đấu giá, trường hợp nào thông qua thi tuyển, trường hợp nào thông qua cấp trực tiếp.

Bổ sung quy định doanh nghiệp phải có cam kết triển khai mạng viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển hoặc cấp lại giấy phép sử dụng băng tần. Khi vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Bổ sung quy định cho phép cấp lại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đối với toàn bộ khối băng tần đã cấp trước đó khi giấy phép đã cấp hết hiệu lực nếu quy hoạch băng tần không thay đổi các khối đã phân chia và doanh nghiệp đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, có đủ các điều kiện để cấp lại giấy phép theo quy định.

Luật Thanh tra (sửa đổi): Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra

Luật Thanh tra có 8 chương với 118 điều.

Luật Thanh tra (sửa đổi) đã quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; các trường hợp cụ thể người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.

Điều 78 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

Với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.

Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

Điều 78 cũng quy định, trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.

Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.

PV/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận