Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2023

Sáng 29/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023.

 

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023.

Theo chương trình, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về 4 nội dung đề nghị xây dựng: Luật Nhà giáo; Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất; Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược, từ năm 2022 đến nay, Chính phủ duy trì đều đặn hàng tháng có một phiên họp xây dựng pháp luật. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế; nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu và dành nguồn lực tập trung xây dựng thể chế, pháp luật.

Việc xây dựng pháp luật ngày càng vào nền nếp, chất lượng hơn; công tác phối hợp với Quốc hội trong xây dựng pháp luật ngày càng chặt chẽ nên các dự thảo luật khi được trình tạo được sự đồng thuận cao.

Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế cần rút kinh nghiệm, khắc phục như việc tập trung nguồn lực; sắp xếp, bố trí cán bộ cho xây dựng pháp luật còn hạn chế; tiến độ xây dựng pháp luật có lúc, có nơi còn chưa đảm bảo. Do đó, các bộ trưởng, trưởng ngành cần tập trung nhiều hơn để năng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ xây dựng pháp luật, tránh việc khi đưa luật vào thực hiện vẫn gặp vướng mắc.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua 9 dự án Luật, cho ý kiến 8 dự án Luật, trong đó có nhiều đạo luật khó, phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung nguồn lực để chuẩn bị tốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật; các luật, quy định phải sát tình hình thực tế và khả thi; tháo gỡ được vướng mắc; tạo cơ sở pháp lý mới khơi thông nguồn lực cho sự phát triển, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời...

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chủ trì xây dựng các luật phải phải tổng kết, đánh giá việc thực hiện các luật; nêu ra những điểm mới; những điểm cần phải sửa; những điểm cần hoàn thiện, bổ sung... Các luật, quy định phải đảm bảo thông thoáng; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, truyền thống văn hóa, lịch sử; khơi thông nguồn lực cho sự phát triển, vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thống nhất chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo

Tại phiên họp, Chính phủ nghe giới thiệu nội dung cơ bản của các đề nghị xây dựng pháp luật, dự án luật; ý kiến của cơ quan thẩm định, rà soát; quá trình tiếp thu ý kiến hoàn thiện các dự thảo luật; đồng thời thảo luận sôi nổi về trình tự, thủ tục, sự cần thiết ban hành luật, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, đặc biệt thảo luận kỹ các nội dung của các luật.

Đặc biệt đối với đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Chính phủ thảo luận tập trung 5 nhóm chính sách. Trong đó làm rõ khái niệm nhà giáo, vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Thủ tướng cơ bản đồng ý về chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo đồng thời yêu cầu thể chế hóa một cách đầy đủ, đồng bộ chủ trương, quan điểm của Đảng liên quan tới nhà giáo như Kết luận 14-KL/TW ngày 26/7/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX; Chỉ thị 40/2004/CT-TW của Ban Chấp hành Trung ương về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng đề nghị, thực hiện theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật liên quan, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.

Rà soát, bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Luật Lao động, Luật Cán bộ công chức, Luật viên chức, Luật Thi đua khen thưởng, Luật Ngân sách nhà nước…. Tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa – lịch sử của đất nước.

Thủ tướng lưu ý cần tham khảo ý kiến đối với các nhà giáo và có các cơ chế tập trung, tổng thể với đội ngũ nhà giáo, chính sách vừa bảo đảm đặc thù với đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp, hài hòa với tổng thể chính sách chung; đồng thời phù hợp, hài hòa giữa các khu vực, đặc biệt là đối với đội ngũ giáo viên vùng xâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng với đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với đặc thù của ngành trong quản lý nhà giáo trong khu vực công lập và ngoài công lập.

Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, cần đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, khả thi, hiệu quả. Tích cực tham vấn, truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Chính phủ thống nhất đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo việc hoàn thiện Đề nghị xây dựng luật./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận