Địa phương chống giặc 'nội xâm': Phát huy cao độ tai mắt của nhân dân

Kinh nghiệm cho thấy, có địa phương sẵn sàng ban hành quy định mua tin về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phổ biến đến toàn dân.

 

Sau một năm thành lập và hoạt động của các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban chỉ đạo cấp tỉnh) đã khẳng định chủ trương đúng đắn, cần thiết, kịp thời của Trung ương, được dư luận, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, qua đó góp phần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh".

Dù thời gian hoạt động chưa lâu nhưng nhiều nơi đã rất cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao, có những kinh nghiệm quý, cách làm hay cần phát huy, nhân rộng.

Mua tin về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Nêu thực tế tại địa phương, ông Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, trong năm đầu thành lập, Ban Chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng đã có 10 cách làm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 1 quy chế phối hợp chung giữa Ban Nội chính với Đảng ủy công an tỉnh, Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh thay cho 3 quy chế phối hợp cũ để tạo sự thống nhất của 4 cơ quan, góp phần cải cách hành chính, giảm các cuộc họp sơ kết, tổng kết và bổ sung kịp thời các chủ trương mới của Đảng.

Ông Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng. (ảnh: Phạm Cường)Bên cạnh đó, địa phương này đã ban hành quy chế phối hợp chỉ đạo đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo nhằm hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung; ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh, nhằm khắc phục tình trạng án tồn đọng, án chậm, án hủy và sự bất cập giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành quy định mua tin về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phổ biến đến toàn dân. Ban Chỉ đạo tham gia giám sát trực tuyến, thường xuyên dự các phiên tòa trực tuyến của TAND 2 cấp đối với các vụ án được dư luận xã hội quan tâm và thuộc diện theo dõi, chỉ đạo.

“Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt chủ trương và đang xây dựng phần mềm xử lý đơn thư của Đảng để tích hợp liên thông từ tỉnh xuống huyện với các cấp chính quyền và cơ quan tư pháp. Mục tiêu nhằm thống nhất việc xử lý đơn thư, tránh chồng chéo trong xử lý của mỗi cấp, mỗi cơ quan”, ông Trần Đình Văn cho biết.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện cơ chế báo cáo tình hình hàng tháng cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo.

Riêng Công an tỉnh, Chi cục kiểm lâm, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh báo cáo hàng tuần về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh kinh tế để tổng hợp, tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, không để bị động, bất ngờ và xem đây là một kênh thông tin quan trọng để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tham nhũng

Tại Cà Mau, sau 1 năm Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động cũng đã ghi nhận những kết quả bước đầu và những kinh nghiệm quý cần tiếp tục phát huy.

Ông Nguyễn Tiến Hải – Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, địa phương rất chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh “chống giặc nội xâm”. Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như thực hiện các kết luận thanh tra, các kiến nghị của kiểm toán Nhà nước.

Ông Nguyễn Tiến Hải – Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo tỉnh tập trung kiểm tra, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, các kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin các vụ việc, vụ án do các tổ chức, cá nhân phản ánh.

Riêng năm 2023, Ban chỉ đạo tỉnh Cà Mau đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, 2 đoàn giám sát, trong đó tập trung kiểm tra 3 Ban Thường vụ huyện ủy về nhiệm vụ lãnh đạo chính quyền trong công tác đấu thầu, chỉ định thầu và thực hiện một số chương trình trọng điểm trên địa bàn; việc thực hiện các kết luận thanh tra và kiến nghị của kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, giám sát 1 Ban Thường vụ Huyện ủy và 1 cá nhân về tình hình kết quả lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, tiêu cực.

“Đoàn giám sát thứ hai đối với 1 Ban cán sự đảng về việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với cán bộ có chức danh tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử, để xảy ra án oan sai, án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan”, ông Nguyễn Tiến Hải cho biết.

Hiện nay, các đoàn đang thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, bước đầu cho thấy những đơn vị được kiểm tra, giám sát đã nâng cao hơn ý thức thức trách nhiệm của tập thể, thủ trưởng cơ quan trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hơn nữa, công tác kiểm tra, giám sát góp phần phòng ngừa từ sớm, từ xa, có tác dụng cảnh báo đối với những cơ quan, đơn vị khác.

Từ thực tế ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, Ban chỉ đạo tỉnh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở người đứng đầu các cấp ủy, thủ trưởng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, phải phát huy vai trò của các thành viên Ban chỉ đạo trong công tác này, đề xuất các nội dung kiểm tra, giám sát hàng năm, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong xã hội.

“Ban chỉ đạo tỉnh Cà Mau đã phân công các thành viên theo dõi từng địa bàn, cơ quan, đơn vị, giao rõ trách nhiệm cho từng người, trong đó có trách nhiệm kiểm tra, giám sát", ông Nguyễn Tiến Hải cho biết.

Còn ở Lào Cai, ông Lý Văn Hải – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, kinh nghiệm được địa phương này rút ra đó là trong xử lý vụ án, căn cứ vào các quy định và thực tế địa phương để đánh giá đúng nội dung, bản chất, từ đó lựa chọn vụ có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm, ảnh hưởng đến tình hình chung của tỉnh cũng như liên quan nhiều cán bộ, đảng viên thuộc diện nhiều cấp ủy quản lý để tham mưu Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ban chỉ đạo xử lý; kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính để chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

“Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp trong việc kê biên, phong tỏa tài sản để thu hồi tối đa tài sản nộp ngân sách Nhà nước. Vừa qua, trong 3 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo có 1 vụ án đã thu hồi, khắc phục được 90%, còn 2 vụ án vẫn đang tiếp tục kê biên, phong tỏa”, ông Lý Văn Hải cho biết./.

Kim Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận