Sáng 20/6, Đại tướng Tô Lâm cho biết, dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đến nay hồ sơ đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia.
Việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
Bên cạnh đó điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản dưới sự quản lý của chính quyền, tham gia hỗ trợ lực lượng công an.
Cùng với đó, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã được tuyển dụng, huấn luyện và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Theo số liệu khảo sát đến nay, trong toàn quốc có 70.867 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Công an nhân dân năm 2018.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về các nhiệm vụ mà lực lượng công an xã bán chuyên trách được thực hiện khi tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cũng như thay đổi tên gọi của lực lượng này để phân biệt với tên gọi của các chức danh công an xã chính quy và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng này.
Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới nảy sinh đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, thực tế hiện nay, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp; tình hình vi phạm các quy định về tham gia giao thông, về quản lý cư trú… diễn ra khá phổ biến. Đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị việc sắp xếp, kiện toàn các lực lượng này cần phải quán triệt nguyên tắc không làm tăng biên chế và ngân sách nhà nước, không phát sinh thủ tục hành chính, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khác ở cơ sở hiện nay và cần làm rõ thêm các số liệu chứng minh điều này.
Theo ông Lê Tấn Tới, dự thảo đã tiếp thu, làm rõ việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng TGBVANTT ở cơ sở không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách; phương án bố trí lực lượng và dự kiến số lượng người tham gia; đánh giá tổng thể, toàn diện hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản, lực lượng khác đang hoạt động hiện nay./.
Ngọc Thành/VOV.VN