Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, 1 năm qua, qua công tác thanh kiểm tra tại địa phương đã chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm 1 năm trước khi thành lập các Ban chỉ đạo cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng đã xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc kéo dài, dư luận xã hội quan tâm ở từng địa phương.
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức ngày 19/6, lãnh đạo một số địa phương đã chia sẻ, thảo luận về một số kinh nghiệm, bài học thực tế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ sở.
Là một trong những địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh cho biết, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được địa phương đặc biệt quan tâm.
Các cấp ủy tổ chức Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên. Qua kiểm tra đã thi hành kỷ luật 378 đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Các tổ chức thanh tra đã tiến hành 595 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 150 tỷ đồng và trên 23.800 m2 đất, đã thu hồi được 121 tỷ đồng, kiến nghị, chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra xử lý.
Việc xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được tập trung chỉ đạo với quan điểm rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Ban chỉ đạo của tỉnh đã đưa 15 vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, đã giải quyết xong và đưa ra khỏi diện chỉ đạo đối với 4 vụ án; còn 3 vụ việc, 8 vụ án đang được tích cực xử lý theo quy định.
Theo ông Đỗ Trọng Hưng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan đơn vị trong tỉnh còn những hạn chế, thiếu sót. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp như việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, người có chức vụ, quyền hạn; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ còn ít; một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xử lý chậm, thu hồi tài sản còn thấp.
Từ thực tế hoạt động của Ban chỉ đạo trong 1 năm qua, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, địa phương rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó phải xây dựng Ban chỉ đạo là một tập thể mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, hoạt động khoa học, bài bản, thực chất, phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên và cơ quan thường trực trong tham mưu, điều hòa, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Trong chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực phải sâu sát, quyết liệt, đúng chức năng, nhiệm vụ, không làm thay việc của các cơ quan chức năng và cũng không buông lỏng sự lãnh đạo. Thường xuyên quán triệt nguyên tắc, định hướng của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư trong xử lý tham nhũng, tiêu cực; phải tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm là phải khởi tố, điều tra, và đã có kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.
Kết quả chống tham nhũng góp phần tạo động lực cho cán bộ công chức, viên chức
Chia sẻ về những kết quả đạt được sau 1 năm thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, ông Nguyễn Hải Ninh – Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có tính chất chuyên môn sâu, trong đó giám sát, thanh tra những dự án chậm tiến độ, trong lĩnh vực mua sắm tài sản công.
Khánh Hòa có 11 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo, trong đó có 8 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Trong 1 năm qua, địa phương này đã giải quyết dứt điểm 6 vụ án, vụ việc, trong đó có 4 vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo.
“Trong 2 năm qua, Bộ Công an đã chuyển về Khánh Hòa chỉ đạo xử lý 10 vụ, đến nay chúng tôi cơ bản giải quyết xong 9 vụ, còn 1 vụ đang đến những bước cuối cùng”, ông Nguyễn Hải Ninh đồng thời cho biết, qua 1 năm hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã góp phần tạo động lực cho cán bộ công chức, viên chức tiếp tục cố gắng thực hiện các nhiệm vụ được giao, đồng thời củng cố, tăng cường niềm tin của người dân đối với Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị của tỉnh, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, vào đầu nhiệm kỳ, Khánh Hòa có rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra khiến không khí làm việc bị ảnh hưởng, tinh thần làm việc của cán bộ sa sút, có tâm lý e dè, né tránh trong chỉ đạo. Đến nay, được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương và sự hoạt động tích cực của Ban chỉ đạo tỉnh, cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo khác đã tạo động lực mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa qua có làm cuộc điều tra dư luận xã hội sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, có 78,9% đánh gía công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tốt hơn trước và 84,4% đánh giá cán bộ, công chức, viên chức có thái độ trách nhiệm, tinh thần làm việc tốt hơn trước”, ông Nguyễn Hải Ninh cho biết.
Từ thực tế ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, ngoài việc nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, kết luận của Tổng Bí thư, bài học rút ra là phải chủ động báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan tố tụng Trung ương đối với những khó khăn, vướng mắc để việc xử lý vụ án, vụ việc bảo đảm tiến độ.
Trong nhiệm vụ xây dựng Ban chỉ đạo thành một tập thể đoàn kết, thống nhất, trong sạch, ông Nguyễn Hải Ninh cho rằng, cần đề cao tính kỷ cương, kỷ luật, gắn với yêu cầu cao về tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của từng thành viên Ban chỉ đạo.
"Khi vụ việc đã đưa vào Ban chỉ đạo theo dõi thì không thể tác động và đều phải xử lý nghiêm minh, khách quan theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước", Bí thư Khánh Hòa đồng thời cho biết cần thống nhất quan điểm xuyên suốt chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc nghiêm minh, nhân văn. Tuy nhiên, nghiêm minh không có nghĩa là chỉ xử lý những người có chức vụ, quyền hạn, và cũng không có nghĩa là phải xử lý nhiều vụ việc hình sự. Nhân văn không có nghĩa là bao che, bỏ lọt tội phạm./.
Kim Anh/VOV.VN