Quốc hội kết thúc tuần làm việc bận rộn: Công tâm đi đến cùng giải pháp

Đáng chú ý trong tuần làm việc vừa qua, Quốc hội hoàn thành chương trình chất vấn và trả lời chất vấn đối với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và 4 bộ trưởng.

 

Không khí chất vấn trong 2 ngày rưỡi sôi nổi, thẳng thắn, tranh luận để chỉ rõ trách nhiệm, giải pháp thực thi thời gian tới.

Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc bận rộn, với nhiều nội dung quan trọng đặt lên bàn Nghị sự. Đáng chú ý trong tuần làm việc vừa qua, Quốc hội hoàn thành chương trình chất vấn và trả lời chất vấn đối với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và 4 Bộ trưởng. Không khí chất vấn trong 2 ngày rưỡi sôi nổi, thẳng thắn, tranh luận để chỉ rõ trách nhiệm, giải pháp thực thi thời gian tới.

Các phiên chất vấn như một "cuộc sát hạch" thẳng thắn

Trong tuần, một dự án luật quan trọng đó là Luật Đất đai (sửa đổi) được các đại biểu thảo luận sôi nổi ở 20 tổ tại Nhà Quốc hội, tiếp tục khẳng định đất đai là một nguồn lực quan trọng của đất nước, đề nghị tiếp tục hoàn thiện các chính sách về thu hồi, hỗ trợ tái định cư người dân; cũng như định giá đất để phù hợp với kinh tế thị trường, nhưng có sự định hướng của Nhà nước.

Trong 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là “tư lệnh ngành” duy nhất có kinh nghiệm trả lời chất vấn trước Quốc hội. Thẳng thắn và có phương án xử lý cụ thể với nhiều vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm cho người lao động; đặc biệt giải pháp về tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Lần đầu trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã nhận được nhiều câu hỏi khó. Đáng chú ý, Nghị trường sôi nổi khi có đại biểu chỉ ra nghịch lý, đó là một phần không nhỏ của chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được chi giải ngân cho hội thảo, tập huấn. Cụ thể chi cho Hội thảo bình đẳng giới 64 tỷ đồng; tư vấn quan hệ hôn nhân 102 tỷ; kiểm tra hội thảo 88 tỷ. Trong khi đó xây dựng mạng lưới y tế cơ sở chỉ đạt 38 tỷ...

Chất vấn đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, các đại biểu hiến kế để khoa học công nghệ Việt Nam phát triển, điểm bứt phá là chính sách “trọng dụng nhân tài” trong các lĩnh vực như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghệ mới, y tế và giáo dục....

Cam kết không quá đầu tháng 7, đăng kiểm trở lại bình thường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ có 3 vòng kiểm soát đối với công tác đăng kiểm là Thanh tra Bộ; Thanh tra Cục Đăng kiểm và Thanh tra của Sở Giao thông Vận tải và thời gian tới sẽ phân cấp cho địa phương toàn bộ việc cấp phép hoạt động cho các trung tâm đăng kiểm...

Nhiều đại biểu Quốc hội cảm nhận, các phiên chất vấn như một "cuộc sát hạch" thẳng thắn và trách nhiệm, tranh luận đi đến cùng vấn đề. Có ý kiến cho rằng, “không khí trên hội trường rất sôi nổi, nhiều đại biểu chất vấn. Sau các chất vấn, Bộ trưởng trả lời, đại biểu muốn tranh luận ngày càng nhiều hơn, làm cho không khí của hội trường tăng nhiệt hơn. Khi trả lời chất vấn, các đại biểu rất tích cực tranh luận, có những lúc không phải chỉ có 3 biển tranh luận mà như Chủ tịch Quốc hội thông báo có đến 16 người cùng tranh luận".

Lần thứ 2 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thảo luận

Trong tuần, lần thứ 2 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được các đại biểu thảo luận ở tổ. Tiếp thu ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến góp ý của nhân dân, dự thảo Luật được sửa đổi toàn bộ theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tại tổ thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “đất đai là một nguồn lực quan trọng của đất nước”. Bởi vậy, khi sửa đổi dự án Luật Đất đai, điều quan trọng nhất phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Điều mà nhiều người dân quan tâm là vấn đề thu hồi, hỗ trợ tái định cư, người dân chuyển đi nơi khác để ở thì nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Vấn đề đặt ra là “bằng hoặc hơn nơi ở cũ” được thực hiện như thế nào? Vấn đề định giá đất cũng là vấn đề được cử tri rất quan tâm để phù hợp với kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5.

Phòng ngừa lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để gây mất đoàn kết nội bộ

Sau nhiều ý kiến khác nhau, đến nay dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) đã nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu Nghị quyết cần tập trung phát huy tốt vai trò các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Phòng ngừa lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ...

Có thể thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hoạt động giám sát rất quan trọng của Quốc hội và HĐND đối với các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đây là phương thức định kỳ để đánh giá cán bộ, để cán bộ tự soi, tự sửa, tự hoàn thiện mình.

Nhiều ĐBQH cho rằng: "Kết quả của cá nhân đó như thế nào, đấy mới là cái quan trọng. Nếu ta đánh giá một cách công tâm khách quan, đầy đủ toàn diện mà không ai vấn đề gì, không rơi vào vùng nguy hiểm thì đấy là cái tốt. Nếu đồng chí nào nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng là đánh giá rất sát của Quốc hội với các hoạt động của các vị trí mà Quốc hội bầu, phê chuẩn".

Thảo luận về nội dung này, một số đại biểu cho rằng, trách nhiệm của họ là phải thể hiện tinh thần công tâm, khách quan, bỏ phiếu tín nhiệm thật đúng, thật chính xác, thật rõ ràng, cụ thể. Còn đối với người được được lấy phiếu tín nhiệm là những vị mà Quốc hội đã bầu, qua lấy phiếu tín nhiệm thì cũng soi rọi lại mình. Quốc hội đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho mình mà làm chưa đúng, chưa tốt, chưa hết các nhiệm vụ của mình thì sao để làm tốt hơn. Việc lấy phiếu tín nhiệm này là rất cần thiết.

Trong tuần, Quốc hội cũng thảo luận các dự án Luật, đó là: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi). Đáng chú ý, khi cho ý kiến vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, thông tin trong thẻ căn cước công dân hiện quy định theo hướng “đóng”; hay việc tích hợp thông tin ADN của người dân vào thẻ căn cước công dân sẽ gây ra nhiều hệ lụy, phiền toái, liên quan đến bí mật, thậm chí hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, thẻ Căn cước công dân phải mang lại lợi ích cho người dân chứ không chỉ mang lại việc thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước./.

Quốc hội đã hoàn thành chương trình 3 tuần làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Từ ngày 11-18/6, Quốc hội nghỉ họp để các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện các dự án Luật, Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua. Từ ngày 19-23/6 các đại biểu Quốc hội tiếp tục họp (đợt 2) theo chương trình của Kỳ họp thứ 5.

Lại Hoa/VOV 1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận