Luật Đất đai cần siết điều kiện để tránh 'lách luật' chuyển nhượng đất nông nghiệp

Khi thảo luận về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, các ĐBQH cho rằng cần thể hiện chặt chẽ hơn để tránh tiêu cực, phòng ngừa việc lợi dụng để đầu cơ

 

Đại biểu Quốc hội lưu ý điều này khi thảo luận vè quy định mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong đó có tính đến đặc thù các loại đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng và đối tượng nhận chuyển nhượng.

Đối với đất trồng lúa, trường hợp thật cần thiết mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 5 Điều 46 (có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận).

“Nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương, đánh giá, tổng kết trước khi áp dụng ở quy mô rộng hơn” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).Đồng quan điểm với cơ quan thẩm tra, thảo luận tại tổ, Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng cần thể hiện chặt chẽ hơn để tránh tiêu cực, phòng ngừa việc lợi dụng để đầu cơ đất nông nghiệp.

Về đề xuất cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu, nữ đại biểu đề nghị quan tâm vấn đề kiểm soán và quá trình đánh giá.

“Họ đưa ra phương án phê duyệt như thế mà sau này không hiệu quả thì chế tài thế nào, có thu hồi không?” – bà Lan đặt vấn đề, đồng thời nhất trí nghiên cứu thí điểm trước khi áp dụng rộng hơn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội đánh giá quy định cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu là phù hợp; đồng thời nên có thí điểm trước khi nhân rộng

“Cố gắng nghĩ ra mà làm vì cái này rất tốt, không thì cứ manh mún, nhỏ lẻ” – ông Tuấn nói.

Liên quan vấn đề này, Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ đồng tình với cơ quan thẩm tra.

Ông cho biết, tại báo cáo bổ sung đánh giá tác động chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng nếu mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể dẫn đến một bộ phận nông dân sẽ không có đất sản xuất (mất tư liệu sản xuất), làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và có nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là những lúc thiên tai, dịch bệnh.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để giảm thiểu những tác động.

Dẫn Điều 122, Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định. Quy định trong dự thảo lần này cụ thể hơn và thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.

“Sự phân cấp này là cần thiết. Việc tập trung quản lý quá mức vào Trung ương như hiện nay không phát huy được sự sáng tạo, chủ động của địa phương, tăng chi phí xã hội” – đại biểu nêu quan điểm, song cũng lưu ý về “tính cục bộ lợi ích địa phương” nên cần cân nhắc cho hài hòa về thẩm quyền.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng tăng cường phân cấp về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên là phù hợp thực tiễn đòi hỏi. Tuy vậy cũng không nên chuyển “thái cực” một cách “quá tả” theo kiểu suy nghĩ Trung ương sẽ “buông” việc này cho địa phương, do đó cân nhắc những hệ lụy.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đồng ý theo hướng phân cấp theo quy mô diện tích chuyển mục đích sử dụng. Với các dự án có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn, phân cấp cho địa phương như quy định như dự thảo, đồng thời bổ sung quy định để hạn chế việc chia nhỏ các dự án có sử dụng đất chuyển đổi để “lách luật”./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận