Có bao nhiêu đề tài khoa học được đưa vào ứng dụng?

Năm 2023 tổng chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ 12.000 tỷ đồng. Song, bao nhiêu đề tài nghiên cứu được ứng dụng và làm thế nào để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

 

Khó xác định bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học còn cất ngăn tủ, khả năng ứng dụng thực tiễn còn thấp. Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Quảng Nam và đại biểu Lê Thanh Vân - Cà Mau đặt câu hỏi về tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học còn cất ngăn tủ, khả năng ứng dụng thực tiễn còn thấp. Đại biểu Lê Thanh Vân - Cà Mau đặt câu hỏi, trong 5 năm qua số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng, trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Đại biểu Lê Thanh Vân - Cà Mau

Trả lời câu hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Huỳnh Thành Đạt cho biết, hoạt động khoa học công nghệ là hoạt động có nhiều tính đặc thù, bản chất nghiên cứu là đi tìm những cái mới, cho nên có thể thành công, có thể không thành công, có thể thất bại, có thể thành công sớm hoặc thành công muộn. Cho nên việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng phải nói đó là một điều rất khó xác định. Điều quan trọng ở đây là làm sao chúng ta xác định được những kết quả đó, trước hết là phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời cũng phục vụ cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, của đội ngũ nghiên cứu và đóng góp vào uy tín khoa học của các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Các đề tài nghiên cứu có rủi ro và có độ trễ, không phải lúc nào đề tài nghiên cứu cũng có kết quả và có thể chuyển giao công nghệ, đưa vào ứng dụng ngay. Bởi vì, công tác chuyển giao thương mại hóa đưa vào ứng dụng không phải là nhiệm vụ của các nhà khoa học mà đó là các đơn vị trung gian kết nối giữa các trường, các viện và các doanh nghiệp. Hiện nay, Nhà nước tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao từ nhà trường, từ viện nghiên cứu ra ngoài xã hội. Tất nhiên để làm điều đó thì chúng ta cần phải tháo gỡ cơ chế, trong đó cụ thể là Nghị định 70 về quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ, v.v.. Tới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị Chính phủ và Quốc hội để có những điều chỉnh thích hợp về chính sách để tạo điều kiện cho sự chuyển giao công nghệ từ nhà trường, từ viện nghiên cứu ra ngoài xã hội, đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong nước.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Long An nêu vấn đề, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số doanh nghiệp lớn, trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân rất cần ứng dụng công nghệ cao, những kỹ thuật mới để sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, đạt chất lượng, đạt hiệu quả. Vậy làm thế nào để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được phổ biến rộng khắp ruộng vườn, nương rẫy, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân?

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Quảng Nam

Đối với nội dung này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Huỳnh Thành Đạt khẳng định, cho đến thời điểm này rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia các chương trình này, ứng dụng nhiều công nghệ cao trong việc phục vụ phát triển nông nghiệp, ví dụ Tập đoàn Lộc Trời sản xuất gạo, Tập đoàn TH true Milk sản xuất sữa, DABACO về chăn nuôi, Nafoot trồng, chế biến trái cây, v.v. đó là ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, hiện nay có khoảng 290 doanh nghiệp công nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao. Khoảng 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 70% đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có gần 2.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Đó là những thành tựu của công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD, so với giá trị năm 2000 là 41,25 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng chỉ ra những tồn tại trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Cụ thể như cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực, v.v. tiếp cận nguồn vốn cũng còn khó khăn. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro, như bảo hiểm nông nghiệp, Quỹ đầu tư bảo hiểm công nghệ cao.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương -An Giang cũng chỉ ra những hạn chế này như việc phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, chưa phát huy được vai trò hạt nhân, lan tỏa, thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của vùng và của cả khu vực.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, giải pháp sắp tới là hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khắc phục những khó khăn, hạn chế đã nêu trên. Triển khai đồng bộ tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về khoa học, công nghệ.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận