Đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đến hết năm 2022, số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, tăng 2,69% so với năm 2021. Trước tình trạng này, các đại biểu Quốc hội cho rằng đã đến lúc cần phải xử lý hình sự việc trốn đóng bảo hiểm xã hội.

 

Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm 8.560 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung - thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong đó, vấn đề nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội lại một lần nữa làm nóng nghị trường.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Ma Thị Thúy - Tuyên Quang phản ánh, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội gây hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động, theo báo cáo có 206.468 người. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên, giải pháp khắc phục.

Đại biểu Trần Quốc Quân - Long An đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những giải pháp thu hồi toàn bộ số tiền nợ đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội và tuyên bố phá sản nhằm để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, đến hết năm 2022, tình trạng chậm đóng, trốn đóng, cộng cả lãi và gốc là 8.560 tỷ đồng, so với năm 2021 tăng khoảng 2,69%. Trong đó có khoảng 26.670 doanh nghiệp và đơn vị chậm đóng và cũng có một bộ phận trốn đóng nhưng phần đa là chậm đóng, do đó đã ảnh hưởng tới trên 206.000 người lao động.

Đồng thời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lý giải về nguyên nhân chậm, trốn nợ bảo hiểm xã hội. Theo bộ trưởng là do doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng, cá biệt thì có đơn vị cố tình chậm và trốn đóng; cơ quan quản lý bảo hiểm, tức là chưa quản lý hết đối tượng; quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến chậm đóng do công tác kiểm tra, công tác thu, chi của cơ quan chức năng chưa đến nơi đến chốn. “Đáng lẽ khi hết 1 tháng, sang tháng sau phải thu mà anh chưa thấy thì anh phải kiểm tra, anh phải giám sát ngay việc này, anh phải thanh tra ngay việc này, nhưng hầu như các cơ quan chức năng chưa làm việc đó, nên dẫn đến có những trường hợp 3 tháng, 6 tháng cứ phạt, không chú ý đến chuyện kiểm tra, thanh tra”, bộ trưởng Dung khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội,Vương Đình Huệ:

Cần khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mượn hồ sơ của các người khác tham gia bảo hiểm xã hội, thu mua, gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và các hành vi trục lợi khác. Bảo đảm công tác quản lý đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội an toàn, sinh lời, cân đối thu, chi trong dài hạn.

Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng cũng như đại biểu chất vấn chúng ta hoàn toàn có cơ sở để xử lý việc này, chứ không phải chờ việc bổ sung thêm hay là hoàn thiện theo quy định nào.

Song bộ trưởng cũng cho biết thêm, đến nay số tiền chậm đóng còn khoảng hơn 3.000 tỷ. 206.468 người bị ảnh hưởng do chậm đóng này đều được kết nối và đều được đang được giải quyết chính sách theo đúng quy định là đóng đến đâu, thu đến đâu thì ghi nhận và giải quyết chính sách đến đó. Đến nay tỷ lệ chậm đóng đã giảm. Chúng tôi không sợ chậm nộp mà sợ nhất là trốn đóng, vì chậm nộp thì sẽ nộp và bị phạt lãi.

Cần xử lý hình sự tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm

Hầu hết các đại biểu đều có chung quan điểm, việc trốn đóng bảo hiểm là vi phạm cần xử lý nghiêm và dứt điểm. Đặc biệt đã đến lúc cần xử lý hình sự tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm. Đại biểu Lý Văn Huấn - Thái Nguyên phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội hiện nay rất phức tạp. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân chưa xử lý việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội và giải pháp xử lý dứt điểm.

“Chậm đóng bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được quy định tại Bộ luật Dân sự vấn đề khởi kiện cũng như Điều 216 Bộ luật Hình sự. Vậy, tại sao đến giờ chưa khởi kiện dân sự hoặc chưa xử lý theo Điều 216 Bộ luật Hình sự? Do cơ chế hay về quy định của pháp luật hay vì do các cơ quan bảo hiểm chưa cương quyết trong vấn đề này?  Để giải quyết dứt điểm, thời gian tới Bộ trưởng có chỉ đạo cụ thể liên quan đến lĩnh vực này như thế nào? ”, đại biểu Lý Văn Huấn thẳng thắn đặt câu hỏi.

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, chúng ta lâu nay không xử lý được tình trạng nợ bảo hiểm. Tình trạng này hết sức nghiêm trọng và kéo dài. Nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên là 2,79 triệu người, chiếm hơn 17% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tổng số nợ lên đến hơn 14.000 tỷ đồng và có 213.000 người là nợ khó thu hồi. Tôi hết sức ngạc nhiên về điều này, nhân đây tôi xin đề nghị Viện kiểm sát, cơ quan điều tra cũng như Tòa án và đặc biệt là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhập cuộc vào việc này. Là một người công tác pháp luật mấy chục năm và là một luật sư, qua quan sát của tôi, tôi tin rằng không thể nói rằng không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp hay rất nhiều trường hợp trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội.

Người đứng đầu ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cho rằng, Bộ đã vào cuộc rất quyết liệt. Trong kế hoạch năm 2023, Bộ đã dành 1/3 số đoàn để thanh tra những vấn đề xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội. Đã có 2995 kiến nghị được xử lý; ban hành 205 quyết định xử phạt. Qua thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính và xử lý sau thanh tra đã góp phần giảm tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2022 tỷ lệ chậm đóng chỉ còn chiếm 3,3% phần phải thu. Đây là một tiến bộ rất lớn, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP Hồ Chí Minh:

Trong này chúng ta cũng phải xem lại trách nhiệm của cơ quan giám sát, dưới 1 tháng thì anh để, trên 3 tháng anh vẫn không làm gì, đến 6 tháng, đến 1 năm, đến 10 năm, có những trường hợp từ 2011 của Haprosimex như Báo VTV đăng, từ 2011 tới nay nợ bảo hiểm xã hội của hơn 400 người mà vẫn không làm gì được. Tôi cho là chúng ta không thể bất lực như vậy. Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay hoàn toàn có cơ sở để giải quyết, kể cả giải quyết trách nhiệm hình sự tình trạng này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trốn đóng bảo hiểm hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự, nhưng khái niệm và phạm vi cũng không xác định rõ được vì thế chưa xử lý được tình trạng nợ, trốn bảo hiểm. “Chúng tôi nhức nhối chuyện này lắm. Cách đây hơn một tháng làm việc với Thành phố Chí Minh, tôi cũng nêu 84 trường hợp ở Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh giúp chúng tôi vấn đề này, cho đến giờ này chúng ta chưa xử lý được một trường hợp nào theo Luật Hình sự. Luật Hình sự quy định rồi, Luật Bảo hiểm rõ rồi, thậm chí Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành Nghị quyết 05 rồi nhưng hiện nay chưa xử lý được. Do chưa có sự thống nhất về nội hàm, giữa trốn đóng với chậm đóng không phân biệt được. Chưa rõ nội hàm thì chưa thể khởi tố, không có cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng khởi tố. Tôi đã trao đổi với các cơ quan chức năng ngành công an nhưng các đồng chí nói là không có cơ sở vững chắc, nên không thể khởi tố được”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận