Chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Bao nhiêu nghiên cứu khoa học mang lại kết quả?

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã trả lời nhiều câu hỏi trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, ngày 7/6.

 

Bao nhiêu nghiên cứu khoa học mang lại kết quả?

Đại biểu Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Bộ trưởng cho biết trong 5 năm qua, số đề tài sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được ứng dụng, bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực.

Ông cũng đặt vấn đề “đâu là điểm kích nổ” về chính sách để Việt Nam đột phá về khoa học công nghệ.

Cũng đề cập vấn đề này, đại biểu Đăng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) phản ánh tình trạng còn đề tài nghiên cứu khoa học “cất ngăn tủ”, khả năng ứng dụng thấp.

“Bộ trưởng có thấy lãng phí chất xám và ngân sách hay không? Vướng mắc của việc đưa vào ứng dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp chưa như kỳ vọng. Trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào?” – nữ đại biểu chất vấn, đồng thời đề nghị bộ trưởng cho biết có bao nhiêu công trình nghiên cứu được đưa vào phục vụ phát triển KT-XH.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội vẫn bố trí kinh phí cho ngành và Bộ Khoa học Công nghệ với tỷ lệ 0,64% GDP.

“Hoạt động khoa học công nghệ rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định” – ông Huỳnh Thành Đạt nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học.

Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Hiện đã có 9 trường ĐH xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả đáng khích lệ trong phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.

"Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", ông nói thêm.

Theo ông, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trước đề nghị cho biết có bao nhiều đề tài nghiên cứu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận thống kê là khó. Vì KHCN có tính đặc thù, nhiều lĩnh vực, có nghiên cứu hiện để đó nhưng phát huy trong nhiều năm sau này, có nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu triển khai...

Giơ biển tranh luận, Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá bộ trưởng trả lời “cầu thị khi nhận ra công tác thống kê chưa đạt”.

Đề cập vấn đề đâu là “điểm kích nổ để Việt Nam bứt phá KHCN”, ông Lê Thanh Vân bày tỏ chưa hài lòng về câu trả lời. Theo đại biểu, “điểm kích nổ” chính là nhân tài.

“Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài KHCN mới làm thay đổi diện mạo KHCN Việt Nam mà thôi” – ông Vân nêu quan điểm, đồng thời lưu ý, nếu không nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào phát triển kinh tế cũng như bảo vệ quốc gia thì sẽ thua xa các nước trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Việt Nam nên có thứ tự ưu tiên lựa chọn “chính sách kích nổ” là nhân tài lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghệ mới, trong y tế, giáo dục...” – đại biểu gợi ý.

Cảm ơn chia sẻ của đại biểu về “điểm kích nổ” chính là vấn đề con người, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông tin, đề án về đội ngũ tri thức trong giai đoạn đến 2030 trình sắp tới sẽ hết sức lưu ý vấn đề này để thể hiện rõ hơn.

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã trả lời nhiều câu hỏi trong phiên chất vấn và trả  lời chất vấn.Thiếu tiền phát triển KHCN trong khi quỹ KHCN quốc gia tồn dư cả chục nghìn tỷ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt ngày 7/6, đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn Hà Nội nêu ý kiến về việc quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ quốc gia còn nhiều tồn tại, hạn chế.

“Đến nay là gần 10 năm thành lập quỹ nhưng tình trạng thiếu tiền, thừa quỹ, tồn quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực dành cho khoa học, công nghệ còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng quỹ, cơ cấu chi của quỹ còn bất hợp lý”, đại biểu Dương Minh Ánh cho hay.

“Chi chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%, trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5%, mặc dù đây là nội dung chi thiết thực gắn với các doanh nghiệp”, đại biểu đoàn Hà Nội dẫn chứng.

Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ KH&CN như thế nào và giải pháp để khắc phục tình trạng trên ra sao.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng hiện nay ngoài quỹ phát triển khoa học, công nghệ của Nhà nước, quỹ phát triển khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp bây giờ hầu như doanh nghiệp nào cũng không mặn mà.

Theo báo cáo của bộ thì hằng năm chỉ có trên, dưới 200 doanh nghiệp tham gia vào quỹ này, đặc biệt là quỹ doanh nghiệp FDI không có một doanh nghiệp nào tham gia vào quỹ này.

“Phải chăng chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua chưa đủ nên doanh nghiệp không mặn mà tham gia quỹ, đặc biệt là doanh nghiệp FDI rất giàu mà họ không tham gia. Tôi đề nghị Bộ trưởng cũng chia sẻ nội dung này để cho doanh nghiệp có sự yên tâm đầu tư khoa học, công nghệ tăng năng suất lao động và tăng chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh sản phẩm của họ trên thị trường”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ.

Tìm cơ chế thu hút doanh nghiệp trích lập quỹ KHCN

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo quy định của luật thì Quỹ phát triển khoa học công nghệ ở doanh nghiệp được thành lập và được quyền trích kinh phí của mình cho quỹ này. Nếu như các doanh nghiệp ngoài nhà nước khuyến khích nhưng đối với doanh nghiệp nhà nước thì bắt buộc tỷ lệ phải từ 3 - 10%, sứ mệnh là nhiệm vụ của doanh nghiệp sử dụng quỹ như thế nào thì tôi xin không trao đổi ở đây mà chỉ xin trao đổi về hiệu quả cũng như là khó khăn cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Lý giải số liệu thống kê giải ngân đầu tư cho KHCN đến nay mới chỉ đạt 60% trên số tiền 23.000 tỷ mà các doanh nghiệp đã trích lập, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, chỉ các doanh nghiệp lớn thì trích quỹ mới có giá trị tương đối lớn, còn các doanh nghiệp khác vừa và nhỏ thì việc trích quỹ rất khó khăn.

Về nguồn lực cũng như phương thức sử dụng quỹ này thế nào cho hiệu quả, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, các quy định chúng ta còn vướng mắc, khó khăn, không thu hút được các doanh nghiệp thiết lập quỹ, ngay cả các doanh nghiệp FDI họ rất có điều kiện để trích lập quỹ nhưng họ thấy tính hấp dẫn chưa cao, cho nên đến nay các tập đoàn lớn chỉ sử dụng theo cách thức riêng, không thiết lập quỹ, kể cả các trung tâm của Samsung, Panasonic, LG…

“Nguyên nhân là do việc sử dụng quỹ hiện nay rất khó. Ví dụ, vấn đề mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho đổi mới công nghệ, phục vụ cho quá trình nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp đều rất khó”, Bộ trưởng Bộ KH&CN nói.

Mặc dù vừa rồi Bộ KH&CN, Bộ Tài chính ban hành những thông tư theo chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội. Tuy nhiên, 2 thông tư đó ban hành cho đến thời điểm này chưa có tính hấp dẫn cao, chưa thu hút thêm được nhiều các doanh nghiệp trích lập quỹ.

“Thời gian sắp tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ và Quốc hội để làm thế nào có những cơ chế, chính sách thu hút được các doanh nghiệp trích lập quỹ cũng như là sử dụng hiệu quả quỹ của mình. Đặc biệt là tiếp tục cho triển khai việc cho phép các doanh nghiệp sử dụng quỹ để mua sắm trang thiết bị, máy móc để đổi mới công nghệ cũng như phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh của đơn vị đó”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông tin.

Bộ trưởng cũng khẳng định đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và phù hợp, tuy nhiên để tháo gỡ chúng ta cần phải xem xét lại quy trình, thủ tục cũng như các quy chế về hoạt động của quỹ này./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận