Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh sáng 7/6, nhiều đại biểu quan tâm và bày tỏ sự sốt ruột vì việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm. Các đại biểu yêu cầu đưa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vào Chương trình giám sát tối cao của Quốc hội.
Chia sẻ cùng phần trả lời của Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết sẽ báo cáo về Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở rộng thêm 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Thủ tướng nhận khuyết điểm trước Quốc hội, trước bà con đang sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi vì các Chương trình rất chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Làm rõ hơn trong phần số liệu, Phó Thủ tướng cho biết đến ngày 31/5, phần vốn của năm 2022 dành cho chương trình này chỉ đạt hơn 58% vốn đầu tư phát triển. Riêng vốn của năm 2023 chỉ đạt hơn 17% vốn đầu tư phát triển.
“Chúng ta chỉ còn 2,5 năm để thực hiện giai đoạn 1 của dự án này, hơn nữa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chương trình này đang sống ở biên cương, phên giậu của đất nước, đang chịu nhiều khó khăn để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nên Chính phủ nhận thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Phó Thủ tướng nêu rõ, vẫn có một số vướng mắc chính trong việc triển khai chương trình. Trước hết, số lượng văn bản ban hành rất nhiều, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án, 55 nội dung thành phần, chịu sự quản lý của 23 Bộ, ngành Trung ương, nên còn nhiều chồng chéo, xung đột.
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng ban hành Công điện số 71, trong khoảng hơn 2 tháng, 18 Bộ, ngành đã có 59 văn bản trả lời để giải đáp 261/339 thắc mắc, chiếm khoảng 70%. “Việc triển khai các chương trình này đã ghi nhận 339 thắc mắc của anh em ở cơ sở vì không biết làm thế nào cho đúng”, Phó Thủ tướng nói và cho biết việc sửa đổi Nghị định 27 đang được gấp rút tiến hành, ngay trong hôm nay Chính phủ sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp giải trình báo cáo của Chính phủ, cố gắng ban hành trước ngày 15/6.
Từ thực tế triển khai, Phó Thủ tướng cho biết với vốn Trung ương việc giải ngân rất chậm nhưng vốn đối ứng thuộc thẩm quyền của địa phương lại được giải quyết rất nhanh. Điều đó cho thấy những quy định còn vướng mắc, gây khó khăn, nên việc tháo gỡ ở các quy định này sẽ tạo được tác động tốt. Thời gian tới, với sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ, hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc để Chương trình được giải ngân đúng theo yêu cầu.
Cũng theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, không phải địa phương nào cũng quan tâm đến việc triển khai các chương trình này. Điển hình, đến nay còn 6 địa phương Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre vẫn nợ hướng dẫn thuộc thẩm quyền địa phương theo phân cấp cho chương trình này nên các địa phương cần lưu ý./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN