Bức xúc trước tình trạng DN chậm, trốn đóng BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề tại sao luật có quy định song chưa có vụ nào bị xử lý hình sự để tăng tính răn đe.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết luật hình sự có quy định, Luật BHXH cũng đề cập, thậm chí Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng có nghị quyết hướng dẫn, nhưng “vẫn chưa xử lý được”.
Lý do, theo ông Đào Ngọc Dung là chưa thống nhất nội hàm “trốn đóng BHXH”. Trốn và chậm chưa phân biệt được, do đó chưa có cơ sở vững chắc để cơ quan chức năng khởi tố.
“Chủ nhiệm UBXH mấy lần nhắc tôi đôn đốc địa phương xử lý, nhưng đôn đốc mãi rồi và cơ quan chức năng nói không có căn cứ vững chắc” - ông Đào Ngọc Dung trả lời trước Quốc hội.
Trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH.
Trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động.
Lý giải nguyên nhân, ông Đào Ngọc Dung cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - thế giới có nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính;
Bên cạnh đó cơ quan BHXH chưa xác định, quản lý được hết đối tượng thuộc diện tham gia bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật BHXH.
Ngoài ra, một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt, hiệu quả dẫn đến chậm đóng, trốn đóng kéo dài./.
Ngọc Thành/VOV.VN