“Bộ trưởng đã trả lời và đi thẳng các câu hỏi của đại biểu. Tuy nhiên, phần đưa ra các giải pháp có một số vấn đề còn chung chung. Hiện nay, việc mất cân đối giữa đào tạo và việc làm, vấn đề lao động thất nghiệp, sinh viên ra trường không có việc làm là một thực tế".
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sáng 6/6, nhiều cử tri ở Đà Nẵng cơ bản đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng.
Ông Võ Anh Trung, ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đồng tình với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng đó là các vấn đề lao động việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội đang bức xúc hiện nay. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng cần đưa ra các giải pháp nhiều hơn.
“Bộ trưởng đã trả lời và đi thẳng các câu hỏi của đại biểu. Tuy nhiên, phần đưa ra các giải pháp có một số vấn đề còn chung chung. Hiện nay, việc mất cân đối giữa đào tạo và việc làm, vấn đề lao động thất nghiệp, sinh viên ra trường không có việc làm là một thực tế. Đặc biệt, tình trạng lao động mất việc làm, giảm việc làm gia tăng kéo dài; tình trạng người lao động rút đóng BHXH một lần nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá đúng phải có giải pháp thật căn cơ cho tình trạng này”, ông Trung nói.
Cử tri Nguyễn Thành Viễn, ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đánh giá cao các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành, nhất là về lĩnh vực lao động việc làm và bảo hiểm xã hội.
Theo cử tri, dịch Covid-19 gần 2 năm qua khiến đời sống công nhân rất khó khăn, các doanh nghiệp không có đơn hàng, lao động không có việc làm đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi Bộ Lao động, Thương binh và xã hội giải quyết. Theo đó, cần có những biện pháp quyết liệt và cụ thể hơn để giải quyết vấn đề này, để ổn định kinh tế mới đạt được chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,2% đến 6,5%.
Đề nghị làm rõ hơn về chính sách bảo hiểm xã hội, cử tri Ngô Ngọc Điển, ở quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội nêu quan điểm: "Bà con tiểu thương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2016 không được hưởng chế độ, giờ mới phát hiện ra thì phải xem lại công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ trưởng trả lời là lao động nữ của ngành dệt may sau tuổi 40 sức khỏe kém dễ bị sa thải. Đề nghị, Bộ trưởng làm rõ hơn nữa là có phương thức như thế nào để doanh nghiệp giữ lại lao động để họ yên tâm làm việc. Còn bây giờ lao động sau tuổi 40 đã có gia đình mà không tìm được việc làm thì chắc chắn người lao động sẽ tìm cách rút bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm toàn xã hội".
Ông Cao Thanh Thương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho rằng, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời thẳng thắn những vấn đề đào tạo việc làm, đào tạo nghề gắn với từng vị trí việc làm. Tuy nhiên, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có kế hoạch, chiến lược lâu dài gắn với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông, qua thực tế quản lý các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu kinh tế, các doanh nghiệp đều giải quyết được công ăn việc làm cho các lao động kỹ thuật. Tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao để đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao hiện rất thấp, cần phải có một chính sách lâu dài của Nhà nước để hỗ trợ cho các trung tâm cũng như các trường đại học, cao đẳng để xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp công nghệ cao khi tuyển dụng khá khó khăn, phải đào tạo lại hoặc gửi đến các doanh nghiệp của họ ở nước ngoài để đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu", ông Cao Thanh Thương nêu thực tế.
Mong sớm có Quỹ hỗ trợ người lao động khó khăn
Hiện nay, do ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát, nhiều doanh nghiệp trong cả nước mất đơn hàng, đặc biệt là ngành may mặc, da giày, gỗ. Từ đó, hàng trăm ngàn lao động đã mất việc làm, giảm giờ làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống. Để tránh trường hợp người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, nhiều ý kiến đề xuất việc xem xét thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động khó khăn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, sẽ có những giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt xem xét kiến nghị thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động khó khăn.
Theo dõi phần trả lời của Bộ trưởng, ông Trương Văn Phỉ, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho rằng, Bộ trưởng đã đánh giá đúng, thực chất nguyên nhân người lao động rút BHXH gia tăng. Còn việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động khó khăn là cần thiết, mang tính nhân văn, do đó mong sớm được hình thành, đây cũng là giải pháp hạn chế việc người lao động rút BHXH một lần.
Theo ông Trương Văn Phỉ, ngoài khó khăn thì việc người lao động rút BHXH một lần còn do bị ảnh hưởng của các thông tin lệch lạc, không chính thống trên mạng xã hội như: đồng tiền mất giá hơn so với gửi ngân hàng, Luật BHXH sửa đổi được ban hành sẽ gây khó khăn cho người lao động khi rút BHXH... do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người lao động.
"Các cấp, các ngành cần phải có chiến lược tuyên truyền, vận động, giải thích, động viên để người lao động hiểu giá trị thực chất của việc đóng BHXH, duy trì BHXH đến ngày được hưởng lương hưu. Làm sao để người lao động hiểu rõ lợi ích, mặt an sinh xã hội của bản thân khi về già, về hưu có chính sách BHXH", ông Trương Văn Phỉ nói.
Theo dõi phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cử tri tỉnh Yên Bái đồng tình và đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu đưa ra, nhất là đã tập trung vào vấn đề đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm.
Cử tri Nguyễn Thị Thảo ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ, Yên Bái hiện nay có hơn 520.000 người trong độ tuổi lao động, hàng năm nhu cầu về việc làm rất lớn, vì vậy Đảng, nhà nước cần thêm chính sách về vấn đề này.
"Cử tri mong muốn Đảng, nhà nước có thêm các chính sách về đào tạo việc làm và gắn chặt với giải quyết việc làm là đào tạo, dạy nghề theo địa chỉ, theo lĩnh vực, nhất là đối với lao động nông thôn", chị Thảo đồng thời lấy ví dụ ở Yên Bái có thế mạnh về lĩnh vực trồng, chế biến gỗ rừng trồng; nông lâm sản; khai thác, chế biến đá trắng… có thể tập trung vào đào tạo chuyên sâu cho người lao động về lĩnh vực này. Như vậy sẽ góp phần tạo cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn ngay tại quê hương mình./.
Nhóm PV/VOV