Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh điều này trong báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khi đề cập trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định cơ giới đường bộ và đường thuỷ nội địa.
Khởi tố gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên
Trên cả nước hiện có 319 đơn vị đăng kiểm, trong đó có 38 đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (20 đơn vị thuộc Cục ĐKVN, 18 đơn vị thuộc các Sở GTVT) và 281 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (192 đơn vị xã hội hóa).
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thẳng thắn chỉ rõ thực trạng và sai phạm thời gian qua. Từ tháng 10/2022 đến nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của các TTĐK, đã có 106/281 trung tâm phải dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra.
Đối với phương tiện thủy, đã điều tra, khởi tố, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo và đăng kiểm viên của Phòng Tàu sông thuộc Cục ĐKVN.
Đến thời điểm hiện nay có 68 vụ án đã khởi tố, khám xét 103 trung tâm, 4 Chi cục đăng kiểm; khởi tố gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên với nhiều tội danh khác nhau.
Đình chỉ sinh hoạt đảng đối với 24 đảng viên; xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ Đảng đối với 49 đảng viên, 10 chi bộ đảng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Bộ GTVT xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với Cục trưởng Cục ĐKVN bị khởi tố, bắt tạm giam.
“Để xảy ra những sai phạm nêu trên, trách nhiệm quản lý nhà nước trước tiên thuộc về Cục Đăng kiểm Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh thành phố có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định trên địa bàn” – báo cáo nêu rõ.
Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận thấy trách nhiệm của bộ khi chưa quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan. Các cơ quan tham mưu của bộ cũng chưa sát sao, kịp thời nhận diện những bất cập, phát sinh để tham mưu chỉ đạo sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu.
Tăng cơ sở cung cấp dịch vụ kiểm định, tạo thuận lợi cho người dân
Việc tạm dừng TTĐK và thiếu hụt đăng kiểm viên đã dẫn đến ùn ứ trong việc phục vụ người dân; đặc biệt có những thời điểm, tại Hà Nội chỉ có 06/31 và TP.HCM có 8/19 trung tâm hoạt động, đã tạo ra sự khủng hoảng của toàn bộ ngành đăng kiểm.
Sau nhiều biện pháp được triển khai, đến nay đã khôi phục lại 73 đơn vị, nâng tổng số đơn vị đang hoạt động là 249/281 đơn vị.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, đến thời điểm hiện nay, còn 32 đơn vị chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp do số lượng phương tiện bị ùn tắc, quá hạn đăng kiểm cộng dồn trong nhiều tháng vừa qua…
Về giải pháp ổn định, lâu dài, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh việc rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm và khẩn trương, kịp thời ban hành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ của Cục ĐKVN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí.
Cùng với đó triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ngay sau khi được Chính phủ ban hành (dự kiến đầu tháng 6/2023).
Trong đó đã phân cấp đến các địa phương; các TTĐK của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô tô.
Ngoài ra, sửa đổi quy định để cho phép tự động gia hạn chu kỳ kiểm định đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải.
“Chủ phương tiện không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại, việc này sẽ giải quyết được ngay tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định trong vòng khoảng 1,5 tháng tới đây và sẽ đảm bảo cho cả sau này” – ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh./.
Ngọc Thành/VOV.VN