Số cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch quá lớn

Mặc dù khẳng định công cuộc chống dịch đã gặt hái nhiều thành công, được thế giới ghi nhận. Song không ít đại biểu Quốc hội còn ngậm ngùi vì sau đại dịch, số cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch quá lớn và nhiều bài học xương máu đã được rút ra.

 

Huy động được khoảng 230 nghìn tỷ đồng chống dịch

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành một ngày để thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đến 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng. Kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã được sử dụng như sau: hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên 87.000 tỷ đồng; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch là 4.487 tỷ đồng; mua vaccine phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng...

Bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện chủ động, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách. Để có thể kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như ngày hôm nay là nhờ có sự nỗ lực và chung tay của toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, trong đó có các chủ trương, giải pháp về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống Covid-19.

Quốc hội trân trọng sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình yêu thương, lòng nhân ái, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn, tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam; là nguồn cổ vũ, động viên, qua đó, mỗi người dân thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng đoàn kết vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đất nước.

Những bài học kinh nghiệm vô cùng xương máu

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phòng, chống đại dịch, chúng ta đã thu được rất nhiều thành quả, thế giới ghi nhận,… nhưng  với một tư cách người dân thì bà Lan thấy, chúng ta chiến thắng, chúng ta trảm tướng và thay tướng suy ra là thất bại. Nguyên một hệ thống ngành y tế thì số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch này quá lớn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, dịch Covid-19 là một phép thử để cho chúng ta thấy được hiện trạng cũng như thực lực của ngành y tế đến đâu để từ đó có những chính sách cho phù hợp. Chúng tôi có thể thấy trong việc huy động và quản lý nguồn lực, đầu tiên là về huy động chúng ta cũng vẫn rất khó khăn. Đất nước chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp, có rất nhiều người dân với tấm lòng vàng muốn đóng góp nhưng nói thật là đóng góp cũng không dễ. Bởi có nhiều cơ chế, chính sách trở nên bất hợp lý khi áp dụng trong điều kiện bất bình thường của đại dịch chưa từng có.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho hay, qua đau thương, mất mát, chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, yêu thương của con người Việt Nam, lá lành đùm lá rách, chia sẻ ngọt bùi. Hình ảnh những thiên thần áo trắng, những anh bộ đội, lực lượng vũ trang giúp dân chống dịch, mua thực phẩm,... Tuy nhiên, qua dịch Covid-19 chúng ta thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, của đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính và thực tế đã bị pháp luật nghiêm trị.  Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, khi dịch xã hội xem đội ngũ y sĩ, bác sĩ là những anh hùng áo trắng. “Tuy nhiên khi hết dịch, qua vụ án của Việt Á và các vụ án có liên quan, hình ảnh những anh hùng áo trắng không còn nữa và nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí và công sức nhất của các bác sĩ, các nhà quản lý y tế là viết các báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.

Còn đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) chia sẻ, trải qua 3 năm chống dịch, chúng ta cần rút bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ, chúng ta không thể không thấy sự cố gắng của mọi tầng lớp xã hội chung tay chống dịch. Có những việc tưởng như không thể mà chúng ta đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt, như là việc thành lập quỹ vắc xin, như việc tiêm vắc xin diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19. “Tôi còn nhớ khi đại dịch xảy ra thì có quyết định thành lập Bệnh viện Covid-19 cơ sở Hoàng Mai trên một bãi đất trống, chính Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi vận động doanh nghiệp đóng góp tài chính, dồn sức xây dựng để một tháng sau đã hoàn thành đi vào hoạt động. Hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch đã được chữa khỏi và ra viện từ nơi đây. Chúng ta đã chứng kiến cả một hệ thống vào cuộc với hơn 100% sức lực, nhưng hết dịch vẫn nhiều điều đáng tiếc xảy ra, những bài học kinh nghiệm vô cùng xương máu”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận