Đại biểu Quốc hội 'bắt mạch' bệnh sợ trách nhiệm

Câu chuyện sợ trách nhiệm đã được nói đến nhiều và lâu năm, nhưng chưa khi nào chuyện 'sợ trách nhiệm' lại xuất hiện nhiều trên khắp các diễn đàn như hiện nay. Những ngày gần đây, vấn đề này càng thêm nóng khi được các đại biểu Quốc hội đưa vào nghị trường.

 

Báo động “bệnh” sợ trách nhiệm

Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Năm 2022 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về tình hình thế giới, tình hình trong nước, song tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta vẫn ổn định và kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8,02% là mức cao trong khu vực và thế giới. Thu ngân sách Nhà nước tăng gần 14% so với năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2% so với năm trước. Trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Khánh Hoà:

Cần có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nói riêng có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh không giải quyết các thủ tục hành chính hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của dân và doanh nghiệp. Tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy Nhà nước ở nhiều nơi đã góp phần gây khó khăn, ách tắc trong giải quyết các thủ tục hành chính cho dân và doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp và người dân đã và đang khó khăn lại càng khó khăn hơn, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, làm mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp, trong nhiều trường hợp vi phạm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Tuy nhiên, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Theo các đại biểu Quốc hội, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ tránh nhiệm không những làm cho công việc bị đình trệ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả điều hành, kinh tế - xã hội phát triển chậm lại, mà nghiêm trọng hơn là làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, không dám hành động vì lợi ích chung của một bộ phận cán bộ, công chức lây lan từ ngành ngày sang ngành khác, lan rộng từ trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Trở thành tình trạng đáng lo ngại. Theo các đại biểu đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về bệnh sợ trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

Từ vụ việc, “năm 2022, TP. Hồ Chí Minh gửi 584 văn bản hỏi Bộ KH-ĐT, Bộ KH-ĐT phải trả lời 604 văn bản và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của TP. Hồ Chí Minh. Cho thấy hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng lên trên rồi lại ngồi chờ...”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đã chỉ ra tình trạng căn bệnh sợ trách nhiệm do quy định pháp luật không rõ ràng.

Tình trạng này cũng được đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) nêu ra, sau đại dịch xuất hiện ngày càng nhiều và càng nặng hơn, căn bệnh sợ trách nhiệm, thu mình lại, thụ động, dè chừng, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải quan tâm xem xét nhiều chiều.

Tồn tại 2 nhóm cán bộ sợ trách nhiệm

Đặc biệt quan tâm đến căn bệnh sợ trách nhiệm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho hay, ông đặc biệt quan tâm đến nội dung hạn chế về đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Tâm lý sợ trách nhiệm còn lan rộng từ trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. “Hiện nay có 2 nhóm cán bộ sợ trách nhiệm: Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm”, đại biểu Tuấn thẳng thắn chỉ ra.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Quảng Bình:

Trong thời điểm giao thoa sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng khi chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tình trạng sợ trách nhiệm diễn ra ở mức độ phổ biến cũng là điều dễ lý giải và đây cũng chính là nguyên nhân góp phần không nhỏ làm chậm trễ tiến độ giải ngân. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản để tạo cơ chế pháp lý cho triển khai các chính sách lớn nhằm khôi phục kinh tế, vì thế việc vướng mắc về cơ chế vĩ mô cũng đã được giải quyết phần nào. Thế nhưng, nếu không giải quyết dứt điểm điểm nghẽn trong vấn đề sợ trách nhiệm thì e rằng dù có đầy đủ hệ thống quy định thì vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng.

Phân tích sâu về thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, nhóm thứ nhất gồm những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Đối với nhóm cán bộ này, chúng ta có thể khắc phục được ngay đó là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt, giống như trong bóng đá khi huấn luyện viên trưởng vì sự phát triển của cả đội bóng và vì màu cờ sắc áo, họ sẵn sàng thay người khi quan sát thấy cầu thủ của mình thi đấu kém hiệu quả. Đối với nhóm cán bộ thứ hai, gồm những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Đây là nhóm cán bộ chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm, chính họ đã tạo ra những hạn chế nêu trên. Đây cũng là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.

Theo đại biểu Tuấn, những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật là vì xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất. “Tôi đã chứng kiến bên lề kỳ họp này 2 vị đại biểu Quốc hội cùng tranh luận về một nội dung của một điều khoản luật đang còn hiệu lực. Cuộc tranh luận ấy đã làm cho tôi hết sức tâm tư và lo lắng, bởi lẽ nó đang xảy ra ngay trong chính cơ quan lập pháp, cho nên không loại trừ khả năng nó sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, trong đó có cả những cơ quan thanh tra, kiểm tra và như thế sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực thi công vụ”, đại biểu Tuấn nói.

Đại biểu Tô Văn Tám - Kon Tum:

Tôi thấy hiện tượng né tránh trách nhiệm này có từ lâu rồi, không phải bây giờ mới có. Vấn đề ở chỗ dường như gần đây có vẻ phức tạp hơn và có vẻ nặng hơn. Theo tôi có một bộ phận do năng lực, trình độ hạn chế nên việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế, cho nên làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Mà không dám làm thì né tránh hoặc đùn đẩy. Hiện tượng này người dân ta vẫn hay nói là đối tượng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Vấn đề ở chỗ, bây giờ chúng ta làm sao rà soát, nắm chắc được tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý bộ phận này là một vấn đề.

Nguyên nhân thứ hai được đại biểu Tuấn chỉ ra là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự. Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ, bởi lẽ, những cán bộ ấy đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây, từ đó đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán ngại, sợ bị kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự.

Ngoài những nguyên nhân trên, nhiều đại biểu còn chỉ ra nguyên nhân khách quan là do quy định của pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận