Bộ Xây dựng không có quy định về sơn chống cháy

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định là Bộ này không có quy định nào về sơn chống cháy.

 

QCVN06 không quy định về sơn chống cháy

Thời gian vừa qua, hầu hết doanh nghiệp đều phản ánh là gặp bế tắc ở hạng mục sơn chống cháy và bọc bảo vệ kết cấu chịu lực nên gặp khó khăn trong nghiệm thu công trình về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Hiện chỉ có 2 loại sơn sản xuất trong nước được cấp phép sơn chống cháy, còn các loại sơn nước ngoài chưa có loại nào được cấp phép, khiến lựa chọn của doanh nghiệp rất hạn chế và phải chấp nhận giá cao. Trong khi quy chuẩn (QC) cũ ko yêu cầu thí nghiệm cấu kiện chịu lửa nhưng QC mới có yêu cầu này.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực PCCC, Bộ Xây dựng chỉ có trách nhiệm: Quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị), rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phải gắn với quy hoạch hạ tầng về PCCC; Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến PCCC trong xây dựng công trình (kết cấu, vật liệu xây dựng, ...). Do đó, Bộ Xây dựng chỉ ban hành Quy chuẩn 06 về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN06).

Đồng thời, theo quy định của pháp luật về PCCC, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước trong thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo, bồi dưỡng về PCCC.

Sơn chống cháy không phải là vật liệu có thể chuẩn hóa, nên không thể đưa vào quy chuẩn như một lựa chọn sẵn. Do đó, trong QCVN 06 không có nội dung quy định về sơn chống cháy”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Không những vậy, đối với kết cấu thép nhà xưởng, QCVN 06 cho phép sử dụng nhiều giải pháp để cơ quan CS PCCC có thẩm quyền có thể nghiệm thu mà không cần thử nghiệm, đánh giá phức tạp: (1) tính toán kết cấu theo tiêu chuẩn; (2) Sử dụng phụ lục F quy định sẵn giới hạn chịu lửa danh định của kết cấu tương ứng với các giải pháp kết cấu cụ thể (nghĩa là chỉ cần chọn trong phụ lục F giải pháp phù hợp là đạt yêu cầu của QC). Ví dụ bọc bê tông, trát vữa, bọc gạch xây các loại, ... nghĩa là đã có quy định sẵn. Đây là các vật liệu có tính ổn định chịu lửa cao, có thể chuẩn hóa làm cơ sở lựa chọn.

Ngoài ra, QCVN 06:2022/BXD cũng cho phép các nhà xưởng có nguy cơ cháy cao (hạng C) với diện tích đến 25 000 m2 (tương đương 100 x 250 m) không cần bọc bảo vệ KC thép; các hạng cháy nổ vừa phải và thấp (hạng D, E) với diện tích không hạn chế không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. Như vậy, theo QCVN 06:2022/BXD thì đa số các nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép. 

Giải thích về khoang cháy nhà kho và nhà sản xuất, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, hiện nay QCVN 06:2022/BXD cho phép diện tích khoang cháy của nhà kho và nhà sản xuất tương đối lớn so với nhiều quốc gia. Ngoài ra, với các nhà kho, nhà sản xuất có yêu cầu diện tích khoang cháy lớn hơn thì QCVN 06 cũng cho phép áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn nước ngoài như NFPA 5000 để thiết kế.

Như vậy, có thể nói ở Việt Nam thì nhà kho và nhà sản xuất có thể xây dựng với quy mô không hạn chế, không ngăn chia”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.

Không bắt buộc công trình xây bể riêng

Về cấp nước chữa cháy, theo QCVN 06:2022/BXD chỉ quy định các nội dung cơ bản về cấp nước chữa cháy như lưu lượng, áp suất, thời gian đối với cấp nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà tùy thuộc quy mô, công năng của công trình để phục vụ thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng

QCVN 06 không quy định đối tượng nhà và công trình cụ thể nào thì phải trang bị các hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà. Nội dung này nằm trong TCVN 3890:2023 (bắt buộc áp dụng theo Luật PCCC) do cơ quan khác biên soạn. Trong đó quy định rõ nhà và công trình có công năng gì, quy mô nào thì phải trang bị những hệ thống trên”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ.

Theo QCVN 06:2022/BXD cho phép sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để cấp nước chữa cháy ngoài nhà, như sử dụng các nguồn nước lân cận có sẵn (ao, hồ, …), sử dụng hạ tầng cấp nước của khu vực, sử dụng kết hợp giữa các công trình, dẫn nước từ xa, cấp nước bổ sung khi chữa cháy.

Khi sử dụng đúng giải pháp phù hợp thì có thể không cần xây bể riêng cho nhà, hoặc chỉ cần xây dựng bể với thể tích vừa phải, có kết hợp bơm bổ sung hoặc kết hợp nước sản xuất. Do đó, cần thực hiện đúng Quy chuẩn, không bắt buộc yêu cầu các công trình xây bể riêng khi có các giải pháp khả thi khác và được tư vấn thiết kế tính toán, thuyết minh phù hợp.

Hiện nay, có 09 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC; 25 Tiêu chuẩn về nhà và công trình; 28 Tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC. Các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về PCCC được biên soạn và ban hành bởi các Bộ: Công an, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ.

Những quy chuẩn, tiêu chuẩn cần thiết nhất cơ bản đã có, đã tính toán đến mọi nguồn cháy bao gồm cả công trình, cấu kiện công trình, phương tiện, thiết bị máy móc...

Theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 về An toàn cháy cho nhà và công trình để PCCC cho công trình và bộ phận công trình. Về PCCC cho máy móc, thiết bị (cả thiết bị điện) có QCVN 01:2020/BCT do Bộ Công Thương ban hành; QCVN 03:2021/BCA phương tiện phòng cháy và chữa cháy, QCVN 01:2019/BCA về Hệ thống phòng cháy và chữa cháy cho kho chứa, cảng xuất, nhập và trạm phân phối khí đốt do Bộ Công an ban hành và một số Quy chuẩn khác có liên quan.

Các quy định này cơ bản ổn định, ít thay đổi từ năm 1995 (năm 2009 Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT/BXD-BCA hướng dẫn về nội dung hạ tầng cấp nước chữa cháy ngoài nhà) tuy nhiên, chưa được thực hiện nghiêm dẫn đến khi bố trí công trình phải yêu cầu thẩm duyệt PCCC thì có vướng mắc trong cấp nước PCCC.

Ngoài ra, QCVN 06 đã linh hoạt, cho phép cơ quan CS PCCC có thẩm quyền hướng dẫn riêng các nội dung về cấp nước chữa cháy phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận