Cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp
Đại biểu Trần Thị Thu Phước, đoàn Kon Tum cho rằng, Luật Giao dịch điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai công tác trong thời kỳ mới, nên việc sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết để làm thông thoáng thủ tục trong môi trường pháp lý. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho biết, hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử.
Để giảm thiểu tình trạng nguy hiểm này, bảo đảm quyền lợi của người thực hiện giao dịch cũng như môi trường giao dịch lành mạnh, đại biểu đoàn Kon Tum cho rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc xác minh, làm rõ, giám sát, xử lý các vi phạm để đảm bảo giao dịch trên môi trường số an toàn, lành mạnh.
Nữ đại biểu cho rằng dự thảo luật cần áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Tranh luận về quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ
Vấn đề quản lý chữ kí số chuyên dùng công vụ cũng thu hút sự tranh luận của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn Bình Dương cho biết, từ năm 2007 đến nay đã tồn tại 2 hệ thống chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng được Chính phủ giao cho 2 cơ quan quản lý. Trong đó, Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công cộng.
Trong khi đó, chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân bảo lưu. Đây là thực thi công vụ của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn. Đối với chữ ký số chuyên dùng công cộng do Bộ TT&TT quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí.
“Nếu như dự thảo Luật quy định Bộ TT&TT quản lý nhà nước cả 2 loại chữ ký số nêu trên khi có vấn đề mất an toàn xảy ra thì việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng. Đề nghị quy định về Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử”, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, đoàn Hà Nội bày tỏ: “công vụ là một hoạt động đặc biệt mang tính quyền được pháp lý, được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước được trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt của đời sống xã hội. Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký của người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến nhân dân đến quốc gia, lợi ích của dân tộc. Vì vậy, chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý”.
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, để đảm bảo yêu cầu phát triển, dự án luật này có sự tham khảo từ hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới, trong đó có cố gắng Việt hóa một số khái niệm mới, tuy nhiên, có một số khái niệm khó từ tiếng Việt tương ứng, hoặc không hoàn toàn trùng khớp về ngữ nghĩa, nên việc sử dụng thuật ngữ còn có chỗ chưa rõ ràng. Cơ quan thẩm tra sẽ rà soát, nghiên cứu để đảm bảo các khái niệm được giải thích rõ hơn.
Về vấn đề quản lý nhà nước quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng có hai vấn đề đang cần nghiên cứu kỹ là quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, cơ quan thẩm tra đã có phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, dù phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là không có nội dung này.
Về định danh điện tử, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc với Chính phủ, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển các quy định về nội dung này sang Luật Căn cước công dân. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, cơ quan thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến của các đại biểu để đảm bảo dự án luật đạt chất lượng cao./.
Nhóm PV/VOV.VN