Chiều 24/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Trong đó, vấn đề quỹ phòng thủ dân sự được nhiều đại biểu quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án gồm: Phương án 1 là giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật; Phương án 2 quy định “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.
Tránh việc “nước đến chân nhảy không kịp”
Đa số các đại biểu ủng hộ phương án thành lập Quỹ trước, bởi các tình huống sự cố thảm họa diễn ra bất ngờ, đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong xử lý. Nếu Quỹ chỉ được thành lập sau khi sự cố thảm họa xảy ra sẽ không đáp ứng được yêu cầu cung ứng ngay và kịp thời lương thực, nước uống, thuốc men, dễ dẫn đến khả năng thiệt hại về người sẽ cao hơn.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông, tên của dự thảo luật là Luật Phòng thủ dân sự, cũng như nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực.
“Việc chuẩn bị các nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính là nguồn lực rất quan trọng, để ứng phó kịp thời với những thảm họa, sự cố xảy ra. Theo tôi, chúng ta không thể để “nước đến chân rồi nhảy không kịp”. Tuy nhiên, trong công tác quản lý cần phải quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả, không để thất thoát”, đại biểu đoàn Đắk Nông nêu ý kiến.
Ngoài ra, tại Điều 35 của dự thảo luật quy định thành lập cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự theo hướng tinh gọn đầu mối trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai trong tìm kiếm cứu nạn, đồng thời giao cho Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của cơ quan này.
Đại biểu đoàn Đắk Nông tán thành với chủ trương thu gọn đầu mối của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này, song cũng đề nghị cần xác định rõ sau khi hợp nhất, cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp xử lý các công việc chuyên ngành do các cơ quan trước đây được giao, để tránh việc chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, cần rà soát kỹ các loại quỹ để tránh chồng chéo, có thể gây thắc mắc trong người dân, bởi lẽ thêm một quỹ sẽ phát sinh thêm bộ máy, chi phí quản lý và có khả năng gây thất thoát, lãng phí.
“Hiện nay đang tồn tại nhiều quỹ thuộc lĩnh vực phòng thủ dân sự như quỹ phòng, chống thiên tai (theo Luật Phòng, chống thiên tai) quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch (theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm), quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (theo Luật bảo vệ môi trường). Nếu thêm quỹ phòng thủ dân sự nữa, sẽ chồng chéo rất khó vận động để đóng góp”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre nêu ý kiến.
Đại biểu Lý Thị Lan, đoàn Hà Giang cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét, bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của các tổ chức kinh tế phải chủ động khắc phục hậu quả bồi thường, chi trả chi phí nếu để xảy ra thảm họa, sự cố trong quá trình hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung xử lý trách nhiệm, hành vi che giấu khi chính các tổ chức kinh tế đó gây ra thảm họa, sự cố để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có nguy cơ gây ra thảm họa, sự cố như đã từng xảy ra trước đây.
Không có lực lượng, nguồn lực dự trữ không thể ứng phó kịp
Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu những dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, cho thấy sự cần kíp của việc phải có quỹ phòng thủ dân sự.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho quân đội, lực lượng y tế hỗ trợ các vùng dịch không có khả năng tự kiểm soát dịch. Quân đội thành lập bệnh viện ở tầng 1 rồi dần đến tầng 2, tầng 3 và tầng 4. Địa phương hay bộ ngành muốn thành lập một bệnh viện dã chiến 300 giường cực khó khi phải mua những thiết bị y tế trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong khi chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng những thiết bị như thế và thành lập những bệnh viện quy mô cả nghìn giường. Một lúc thành lập 16 bệnh viện quy mô từ 500-1000 giường ở tất cả các tỉnh trong cả nước…”, Đại tướng Phan Văn Giang cho hay.
Hay như kiểm soát dịch ở Bắc Giang, trong một đêm quân đội huy động di chuyển lực lượng để thực hiện cách ly vùng dịch thảm họa.
“Nếu không có lực lượng dự bị, không chuẩn bị sẵn sàng, không thể làm được điều này. Hay khi vận chuyển vaccine đến toàn bộ vùng miền, chúng tôi phải huy động toàn bộ máy bay vận tải, trực thăng bởi ô tô không thể chạy đến các vùng không có đường như các đảo xa. Tất cả việc này cần có quỹ. Nếu khi thảm họa xảy ra mới thành lập quỹ thì mọi việc sẽ rất khó khăn”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh./.
Nhóm PV/VOV.VN