Nhiều điểm sáng trong hoạt động lập pháp
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ. Các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao.
Quá trình thẩm tra, tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng được tăng cường. Đặc biệt, hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp ý của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ngay từ khi lập đề nghị và trong suốt quá trình soạn thảo đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng nhận định, điểm sáng trong công tác này thời gian qua thể hiện qua việc trình Bộ Chính trị ban hành kết luận về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
“Không có nền tảng, kế hoạch, kể cả quy hoạch lập pháp cả nhiệm kỳ dẫn đến chương trình xây dựng từng năm sẽ bị động. Việc ra đời định hướng chương trình là điểm sáng của hoạt động lập pháp; thể hiện tư duy chiến lược dài hơi hơn” - ông Lê Thanh Vân nói.
Bên cạnh đó, Quốc hội có phương thức lập pháp thích ứng như ban hành các nghị quyết trao quyền cho UBTVQH, Chính phủ ứng phó linh hoạt với đại dịch là chưa có tiền lệ.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) và nhiều đại biểu khác cũng nhấn mạnh Quốc hội đã dành nhiều thời gian, công sức thực hiện chức năng lập pháp và đạt nhiều thành tựu, tiến bộ; hệ thống pháp luật ngày càng được bổ sung hoàn thiện.
Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa băn khoăn khi số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định chương trình xây dựng pháp luật còn lớn. Trong năm 2023, Quốc hội sẽ xem xét 15 dự án, đến nay, các cơ quan lại trình bổ sung 16 dự án, dự thảo luật và 3 dự thảo nghị quyết vào Chương trình năm 2023. Như vậy, số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn số dự án đã được Quốc hội quyết định.
“Điều này, một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phảỉ nhanh chóng điều chỉnh chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo chưa cao” - ông Phạm Trọng Nghĩa nói.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị các cơ quan quan tâm hơn về công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn; đồng thời, có giải pháp quyết liệt hơn để sớm đưa các dự án còn lại theo kế hoạch.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng nêu những hạn chế mà ông cho rằng là cố hữu. Đó là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. “Đó không phải là điều hay, bởi nó thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa”.
Ngoài ra, vị đại biểu này cho rằng, việc thay đổi thường xuyên chương trình tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đó là sự chưa chín muồi trong các kiến nghị lập pháp, thậm chí lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; kỷ luật, kỷ cương lập pháp chưa nghiêm.
Chính vì vậy, ông Lê Thanh Vân kiến nghị sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho toàn khóa, bám vào Nghị quyết Đại hội Đảng để hoạch định chính sách lập pháp, xác định thứ tự ưu tiên và duy trì kỷ cương lập pháp theo chương trình đó; hạn chế tối đa việc điều chỉnh chương trình hàng năm.
“Trong nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay nên thể chế được quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư là xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật nếu đạo luật đó sau này có hại cho nước, cho dân thì phải chịu trách nhiệm” - ông Lê Thanh Vân nói.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng thì cho rằng, phương châm chỉ đạo là chủ động từ sớm, từ xa nhưng thực tế triển khai còn chưa kỳ vọng khi việc thay đổi, đưa vào, rút ra còn nhiều, thậm chí có lúc số lượng bổ sung cao hơn so với chương trình chính thức. Điều đáng nói hạn chế này diễn ra nhiều năm, khá phổ biến.
“Vì sao vậy? Ngoài yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu cuộc sống đòi hỏi thì có phải do kỷ luật, kỷ cương, nể nang, tuỳ tiện không?” - ông đặt vấn đề.
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, hồ sơ tài liệu của một số dự án luật gửi còn rất chậm, hạn chế rất lớn việc nghiên cứu tham gia ý kiến của đại biểu.
“Dường như có gì đó cập rập, vội vàng, thiếu chắc chắn. Tuổi thọ dự án luật ngày càng “trẻ hoá”. Đó là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” nhưng là căn bệnh ngày càng trầm kha mà đại biểu, cử tri quan tâm, yêu cầu mổ xẻ để có giải pháp, dứt khoát không nể nang, né tránh” - đại biểu nêu quan điểm./.
Theo VOV.VN