Gỡ những nút thắt gây đình trệ hoạt động kinh tế - xã hội

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực ...

 

Sáng nay 9/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, với vị thế là một nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản,…

Mặc dù vậy, bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế,…

Các tổ chức quốc tế có uy tín như IMF, WB, OECD,… tiếp tục dự báo triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn.

Liên quan việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đạt được các kết quả chủ yếu

Cụ thể, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng 1.109 km đường bộ cao tốc, 1 cầu dây văng khẩu độ lớn, 14 cơ sở trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng… Đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,3 triệu lượt người lao động, bằng 132% tổng số đối tượng dự kiến hỗ trợ (4 triệu người).

Về giải ngân các chính sách hỗ trợ, đến nay đạt khoảng 87,3 nghìn tỷ đồng,. tTrong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch 161.848,315 tỷ đồng; số vốn 14.151,685 tỷ đồng còn lại: Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với phương án phân bổ số vốn 13.369,468 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao vốn.

Triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đạt kết quả rất thấp, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, số vốn dự kiến không sử dụng hết còn khoảng 37.430 tỷ đồng

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến nay đã hết thời hạn thực hiện. Tuy nhiên, số tiền giải ngân thực tế chỉ đạt 4.264,4 tỷ đồng, bằng 57,2% so với tổng nguồn lực dự kiến thực hiện.

«Việc triển khai chính sách, thẩm định hồ sơ, phê duyệt, giải ngân kinh phí cho người lao động thời gian đầu còn chậm. Lực lượng cán bộ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ còn thiếu, phải huy động từ nhiều lĩnh vực, chưa nắm vững chuyên môn, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm” – báo cáo nêu rõ....

Chính phủ nhận định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn, đồng thời, nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực.

Một số dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sớm được đưa vào khai thác cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng quý II và cả năm 2023.

“Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn”

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, số liệu về lao động, việc làm lại có những cải thiện với tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm giảm, thu nhập tăng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn tình hình lao động, việc làm trong Quý I/2023 và làm rõ nhận định tình hình lao động, việc làm có mâu thuẫn với số liệu về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, hoạt động doanh nghiệp hay không.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông, thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối kết hợp chưa kịp thời, dẫn đến thiếu cục bộ, việc tăng giá điện gần đây cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao và tín dụng tăng trưởng thấp, cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Những khó khăn, thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt đến từ cả yếu tố bên ngoài và bên trong, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ở trong nước, những tồn tại, yếu kém từ nội tại nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ ràng, nhất là liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; khả năng chống chịu, thích ứng với các tác động bên ngoài còn hạn chế...

“Đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội”- Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ, nhất là nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp phù hợp./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận