Trong khi đó, chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung đã trở thành chủ trương qua nhiều kỳ đại hội, nhất là Đại hội 13 của Đảng và Kết luận số 14 năm 2021 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, chủ trương đúng đắn này được triển khai vào cuộc sống để phát huy hết năng lực sáng tạo, đột phá của đội ngũ cán bộ. Qua thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh - “đầu tầu" kinh tế của cả nước, nhóm phóng viên VOV đề cập nội dung này qua loạt bài “Để Kết luận 14 sớm đi vào cuộc sống”.
Khổ vì cán bộ sợ sai
Anh Huỳnh Chí Linh, ngụ ở Phường 3, Quận 8 vẫn chưa buông được cảm giác mệt mỏi khi nghĩ lại quãng thời gian làm giấy chứng nhận độc thân. Những lần trước xác nhận loại giấy này bằng sổ hộ khẩu giấy, anh Linh chỉ mất 2 ngày. Lần này, khi có quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy anh đã phải mất hơn 1 tuần bởi cán bộ phường yêu cầu phải có chứng nhận của công an về nơi cư trú, vì theo cán bộ hướng dẫn là “chưa có ý kiến của cấp trên”.
Anh Huỳnh Chí Linh chia sẻ: "Cán bộ phường không dám mạnh dạn để giải quyết cho dân. Họ nói phải có sự đồng thuận của cấp trên. Theo tôi, việc gì mà đơn giản thì cán bộ nên chủ động giải quyết dứt điểm, không cần chờ đợi, xin cấp trên làm chậm thời gian của người dân".
Không chỉ có TP.HCM, mà cả nước đã có hàng chục ngàn công dân phải qua “cửa ải” mệt mỏi khi cán bộ yêu cầu có giấy xác nhận nơi cư trú. Sự việc chỉ tạm dừng khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an.
Với người dân là vậy, còn đối với doanh nghiệp, thì quy trình, quy định cộng với sự thận trọng quá mức, tâm lý e sợ của cán bộ, công chức đã khiến doanh nghiệp trầy trật hơn khi phải qua các quy trình. Thế nên, cứ mỗi lần nhắc đến việc làm thủ tục dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành (viết tắt Công ty Lê Thành) không khỏi bức xúc.
Công ty Lê Thành đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội Lê Thành-Tân Kiên trên diện tích 2,5ha ở huyện Bình Chánh. Theo quy định, để triển khai một dự án, doanh nghiệp phải thực hiện 4 bước bao gồm: Đánh giá sơ bộ; chấp thuận chủ trương đầu tư; nếu có sự khác biệt thì điều chỉnh phân khu cục bộ 1/500 và cuối cùng là cấp phép xây dựng.
Sau khi bước 1 hoàn thành, doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố để thực hiện bước 2. Chờ đợi suốt 4-5 tháng, Sở chưa trả lời, doanh nghiệp hối thúc, cán bộ Sở mới cho biết: Do chưa có quy hoạch cục bộ nên chưa thể cấp chủ trương đầu tư. Doanh nghiệp lại lật đật gõ cửa huyện Bình Chánh và Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố, song kết quả cũng tương tự khi được yêu cầu “phải có chủ trương chấp nhận đầu tư thì mới điều chỉnh quy hoạch cục bộ”.
Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, kể từ khi xin triển khai dự án, doanh nghiệp đã gửi hơn 50 văn bản đến ngành chức năng của Thành phố. Trung bình mỗi văn bản xử lý trong 1 tháng, 50 văn bản là 50 tháng nhưng dự án vẫn nằm im tại chỗ.
Theo ông Nghĩa, dự án chậm được triển khai bởi mỗi nơi căn cứ thực hiện quy trình một kiểu. Đây không chỉ là vướng mắc của Công ty Lê Thành mà của rất nhiều thành viên trong Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: "Hiện nay thực sự là cán bộ sợ trách nhiệm. Người ta cảm thấy lo sợ vì giải quyết việc này có lợi gì cho chúng tôi đâu. Hôm nay nói đúng, ngày mai nói sai. Vậy chúng tôi có sự cố, ai chịu trách nhiệm cho chúng tôi"
Tinh thần Võ Văn Kiệt dường như không còn
TP.HCM cùng cả nước vừa tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một nhà lãnh đạo điển hình của dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không chỉ đau đáu vì dân, ông còn là điểm tựa tinh thần, là “lá chắn” vững chắc để cán bộ dưới quyền dám đột phá, sáng tạo, thậm chí hy sinh vì lợi ích chung. “Tinh thần Võ Văn Kiệt” được phát huy ở Thành phố “đầu tàu” của cả nước trong nhiều năm qua.
Nhưng tại buổi làm việc với Thành phố Thủ Đức, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, đội ngũ cán bộ tại Thành phố đang bị một vấn đề bao trùm là sợ. Có người sợ sai, sợ tù tội, nhẹ hơn là sợ trách nhiệm và có người còn sợ khó, sợ khổ. Ông Mãi dẫn lời một số người ví von, hiện nay có vẻ như TP.HCM không còn “Tinh thần Võ Văn Kiệt” - tinh thần của dám nghĩ, dám làm nữa.
Dẫn chứng cụ thể tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong năm 2022, TP.HCM gửi 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ. Bộ đã trả lời 604 văn bản. Nhưng điều đáng nói là hầu hết các vấn đề hỏi đều thuộc thẩm quyền Thành phố. Rõ ràng, một bộ phận cán bộ đang e dè, sợ trách nhiệm.
Ai cũng hiểu “Cán bộ là then chốt của then chốt”, nhưng khi lực lượng then chốt thu mình trong vùng an toàn thì hậu quả để lại không nhỏ. Ý kiến đầy tâm trạng của TS-BS.Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, người đã chật vật và rất nhẫn nại để có thể triển khai dự án trung tâm điều trị bệnh đột quỵ công nghệ cao tại TP.HCM - càng thấy rõ điều đó.
Bác sĩ Trần Chí Cường cho biết: "Tôi là người Việt, tôi đang làm vì người Việt, còn nếu như tôi không là người Việt thì tôi sẽ tìm một nơi khác để tôi đi. Tại sao tôi phải chờ một năm rưỡi để hoàn thành mà tôi không qua Singapore. Chúng ta phải nhìn xung quanh xem, những nhà đầu tư đang làm gì, đi đâu. Thế giới đang vận động và chúng ta phải tự tạo cơ hội cho mình. Tôi nói thật lòng là chúng ta làm chưa tốt".
Đẩy trách nhiệm ra khỏi phòng
Rõ ràng, những ách tắc từ thủ tục hành chính, từ những quy định gây khó cho người dân và doanh nghiệp, đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án lớn thời gian qua trên cả nước nói chung và ở TP.HCM riêng có một phần không nhỏ từ việc cán bộ sợ trách nhiệm. Suy nghĩ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn là đứng trước hội đồng xét xử” xuất hiện trong không ít cán bộ, công chức.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu học tập quán triệt văn kiện Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII ngày 6/12/2022, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư) cho biết, hiện nay có tình trạng là nhiều địa phương khi có vướng mắc, đi hỏi cấp trên, hỏi các bộ, ngành mà để 3 - 6 tháng rồi trả lời kiểu “đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật”. Đây là cách trả lời không đầy đủ và kiểu làm chỉ cho hết trách nhiệm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Ai cũng nói tới tâm lý sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên. Nhưng mà nhiều người dân phê bình chúng ta nhiều hơn. Người ta nói cán bộ vì sự an toàn của mình mà đẩy hết khó khăn cho người dân, cho doanh nghiệp. Có đồng chí còn nói không chỉ đẩy cho người dân, doanh nghiệp không đâu mà đẩy ra khỏi phòng mình, đẩy được cứ đẩy, qua phòng bên cạnh cũng được. Cái này phải sửa".
Trước thực tế e sợ, đùn đẩy trách nhiệm thì việc thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ “6 dám” cần nhanh chóng đi vào cuộc sống bằng các biện pháp đồng bộ. Chúng tôi sẽ đề cập nội dung này trong bài thứ 2 và cũng là phần cuối của loạt bài./.
Theo VOV.VN