Dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật” đang được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xây dựng và dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua trong năm 2023. Góp ý cho dự thảo Quy định, nhiều ý kiến cho rằng, cần nhận diện rõ “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật và xây dựng cơ chế thực chất, hiệu quả để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, ông Nguyễn Đình Quyền chỉ rõ, mặc dù hệ thống pháp luật được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, khả thi, tạo cơ sở pháp lý, môi trường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước song, vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, cài cắm lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định của Đảng nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật còn chưa đầy đủ, thiếu cụ thể.
“Cho đến bây giờ nói chưa phát hiện được những văn bản có hành vi sai phạm, những nhận định như vậy là chưa hẳn. Bởi, trên thực tế các văn bản pháp quy, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật còn rất nhiều sơ hở. Chính quy định mang tính sơ hở như vậy tạo điều kiện cho những "sân sau", cho "lợi ích nhóm", tạo kẽ hở để có thể thực hiện thế này cũng là đúng mà thực hiện ngược lại thế kia cũng đúng”- ông Nguyễn Đình Quyền nói.
Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật đang đặt ra yêu cầu quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, ở đây phải siết chặt cơ chế xin-cho: “Không chỉ là hành vi đưa 1 quy định nào vào trong văn bản pháp luật mới là hành vi “lợi ích nhóm”, có thể loại bỏ một quy định trong văn bản quy phạm pháp luật cũng là hành vi “lợi ích nhóm”. Tạo cơ chế, thủ tục mang tính chất xin - cho. Xin- cho đây cũng chính là lợi ích nhóm”.
Xuất phát từ đặc thù của hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm nhiều khâu, với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, hành vi cài đặt lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thường diễn ra tinh vi, khó phát hiện mối quan hệ giữa biểu hiện bên ngoài và động cơ thực sự bên trong nên khi phát hiện thì để chứng minh và xử lý trách nhiệm cũng rất phức tạp.
Bà Nguyễn Việt Minh, cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc tại Việt Nam kiến nghị: “Việc vận động hành lang cũng có thể là một cái tấm bình phong để cho những hành vi tham nhũng, tiêu cực có thể có đất phát triển. Để kiểm soát được những hành vi tiêu cực thì nhiều nước trên thế giới đã luật hóa hành vi “vận động hành lang”. Việc luật hóa giúp có cơ chế để kiểm soát và giúp nhận diện được "vận động hành lang" hợp pháp và thế nào được coi là các hành vi can thiệp không đúng đắn đến hoạt động xây dựng pháp luật”.
Công khai, minh bạch các quy trình trong xây dựng pháp luật, cùng với đó quy trách nhiệm, có chế tài xử lý đối với các chủ thể có hành vi sai phạm. Đồng thời chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động phản biện chính sách của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia giám sát của nhân dân đối với quá trình xây dựng pháp luật…cũng là những giải pháp hiệu quả để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật./.
Theo VOV.VN