Sáng 10/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4 để xem xét, cho ý kiến về việc lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội và việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành đã chủ động rà soát các văn bản pháp luật, phát hiện các vướng mắc, trên cơ sở đó điều chỉnh, xây dựng, hoàn thiện pháp luật để khơi thông quá trình phát triển. Quốc hội đã tích cực, đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là những vướng mắc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Dự kiến trong Kỳ họp thứ 5 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua 18 dự án luật, pháp lệnh. Đây là khối lượng công việc lớn, cần tập trung chuẩn bị, quyết liệt thực hiện vừa phải đảm bảo tiến độ, vừa phải đảm bảo chất lượng và theo đúng quy trình xây dựng pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) mà Chính phủ xem xét hôm nay đều là những dự án luật quan trọng, khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi điều chỉnh rộng, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, cần sớm tháo gỡ về thể chế.
Riêng đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là một dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến đời sống Nhân dân và các hoạt động phát triển KTXH, theo Thủ tướng cần đổi mới cơ chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất để giải phóng tối đa các nguồn lực phát triển; đồng thời có công cụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Nhân dân bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn hiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo điều kiện đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Tiếp thu, giải trình đầy đủ đối với tất cả các ý kiến đóng góp, làm rõ các vấn đề đã được thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, các vấn đề đã được quy định, các vấn đề mới phát sinh, các vấn đề giải trình.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Nhân dân, nhất là về các vấn đề quan trọng, có nhiều ý kiến góp ý, quan tâm nhất để làm căn cứ thực tiễn tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề tiếp thu theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để nghiên cứu luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả và tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, có thể thực hiện thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng dần; các vấn đề giải trình cần có căn cứ xác đáng, lập luận thuyết phục.
Thủ tướng lưu ý, trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật cần quán triệt nguyên tắc phát huy tối đa các nguồn lực về cơ chế, chính sách đất đai, bao gồm cả các chính sách liên quan đến không gian ngầm, không gian ven biển,... để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đồng thời có công cụ kiểm tra, giám sát phù hợp, chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó tăng cường phân cấp, phân quyền kết hợp với phân bổ nguồn lực, phù hợp với khả năng thực thi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn về cơ chế quản lý và sử dụng đất; đồng thời nghiên cứu bổ sung các quy định mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn mới phát sinh qua phản ánh của cơ quan, tổ chức, người dân trong quá trình thực hiện Luật hiện hành.
Bên cạnh đó, cần rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất; tránh phiền hà, tăng chi phí về thủ tục, tuân thủ các quy định.
Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật này với các Luật có liên quan để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, không để có khoảng trống pháp lý và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần sửa quy định của luật nào thì sửa ngay tại Luật Đất đai, để kịp thời có hiệu lực và áp dụng thống nhất.
Việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định cần tham khảo, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế có thể áp dụng tại Việt Nam, phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội; chủ động truyền thông về các chính sách trong dự thảo Luật để tạo sự đồng thuận.
Về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần tập trung vào những nội dung quan trọng, phức tạp, có tính nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng đến người dân và xã hội theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Thủ tướng đây là những ý kiến có căn cứ cần được nghiên cứu để tiếp thu một cách nghiêm túc, cẩn thận; tạo sự thấu hiểu, đồng thuận của Quốc hội, UBTVQH. Bộ Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, VPCP và các cơ quan có liên quan để tiếp thu, giải trình bảo đảm chất lượng, tiến độ./.
Vũ Khuyên/VOV