Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội của Quốc hội về vấn đề này.
PV: Việc ban hành Nghị định trên có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, việc xây dựng nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung trong thời điểm lịch sử này rất đúng và rất cần thiết. Bởi vì vừa qua xuất hiện tâm lý e sợ, dè chừng, sợ sai phạm, không dám sáng tạo, thay đổi tư duy ở một bộ phận cán bộ, do đó mà mất động lực phát triển.
Nếu Nghị định được ban hành trong thời điểm này sẽ tạo cơ hội cho cán bộ và quan trọng nhất là bảo vệ những người có quyết tâm thay đổi tư duy, đổi mới, sáng tạo để đạt được kết quả tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Rõ ràng đây là một bước đổi mới lớn, quan trọng là khuyến khích, động viên cán bộ xung kích, sáng tạo, tránh tư tưởng sợ sệt, sợ sai, sợ trách nhiệm. Do đó, nghị định ra đời mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
PV: Theo ông, những người như thế nào được coi là người dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đó là những người có tư duy đột phá, sáng tạo, có hoài bão vượt qua những khó khăn, định kiến, trở ngại để có những đổi mới về phương thức, cách thức làm việc mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, không mang lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm.
PV: Thực tế cho thấy, không phải ý tưởng đột phá nào cũng dễ dàng được “trải hoa hồng”, được số đông chấp nhận ngay từ đầu, thậm chí phải có những trả giá nhất định. Để giúp cán bộ tự tin vượt qua những thách thức, áp lực đó, theo ông cần làm gì?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Để bảo vệ cán bộ đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo thì chúng ta cần theo dõi, giúp đỡ, giám sát, động viên, khích lệ và nên cùng đồng hành, tham gia, hỗ trợ họ trong quá trình thực hiện ý tưởng.
Trong đổi mới, sáng tạo có thể có sai sót nhất định, nhưng nếu sai sót ấy không phải do bản thân cố tình gây ra để trục lợi thì chúng ta cần hỗ trợ, động viên, chia sẻ, tránh tư tưởng “dìm”, tìm cách kỷ luật cán bộ thì sẽ thui chột sự dấn thân, cống hiến, dám nghĩ, dám làm của cán bộ.
Chúng ta có các tổ chức chính trị, công đoàn, cơ quan giám sát nên hoàn toàn có thể kiểm soát việc thực hiện các ý tưởng đổi mới này. Cho nên cần phải cởi mở, động viên, có quy định cụ thể để “cởi trói” giúp cán bộ gạt bỏ nỗi sợ trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân, quyết tâm đạt được mục tiêu dù rằng sự đổi mới đó sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức.
Ý tưởng đổi mới được triển khai hay không phụ thuộc vào người đứng đầu
PV: Cũng có lo ngại rằng, nhiều khi ý tưởng mới của cán bộ, công chức có thể không được ủng hộ hoặc bị gây khó dễ, trì hoãn bởi những lý do cá nhân, cảm tính của người đứng đầu. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đổi mới, sáng tạo nào cũng gặp phải những lực cản của cái cũ, của sự bảo thủ. Thực tế, có những ý tưởng đổi mới gặp cản trở bởi chính người đứng đầu. Bởi không phải thủ trưởng nào cũng muốn nghe điều không đúng với ý mình nên thành ra cản trở, đẩy cán bộ về lối mòn, làm theo phương thức cũ.
Do đó, các ý tưởng mới, sáng tạo có triển khai được hay không đều phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu đơn vị. Cán bộ nào dám đứng ở "đầu sóng ngọn gió" để đổi mới, phá rào vì lợi ích chung, vì sự phát triển, đi lên của cơ quan, đơn vị thì thủ trưởng, tập thể lãnh đạo phải ủng hộ, đồng hành, giám sát, tạo cơ hội cho cán bộ độc lập suy nghĩ, nghiên cứu để đạt được thành tựu.
Không may điều "đi trước đón đầu" đó có thể không thành công thì người lãnh đạo, tập thể lãnh đạo phải đứng ra bảo vệ cán bộ của mình, nếu không sẽ thui chột sự sáng tạo của con người và tính độc lập, tự chủ, sự cố gắng vươn lên của họ.
Trừ trường hợp lợi dụng đổi mới nhưng để vun vén cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì người đứng đầu cần phải ngăn cản, tuýt còi.
PV: Ông có cho rằng, cần phân định lằn ranh giữa đổi mới, sáng tạo và cố ý làm trái?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Phải có quy định để làm sao cán bộ biết nếu vượt ra khỏi ranh giới đó là sai. Ranh giới cho phép người ta làm và chỉ được làm vì lợi ích nhân dân, lợi ích tập thể.
Cho nên dứt khoát phải có ranh giới, giới hạn của nó, anh không thể sáng tạo mà vượt quá giới hạn. Nếu vượt qua giới hạn thì sẽ dẫn tới sai lầm, nếu không cẩn thận vô hình trung sẽ tạo ra cơ hội cho họ làm sai, không ngăn chặn được mưu đồ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lồng vào đó.
PV: Có ý kiến lo ngại việc cán bộ sẽ vin vào đổi mới sáng tạo để trục lợi. Theo ông, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, cụ thể hóa quy định để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì cũng cần có “bộ lọc” để lọc những người “núp bóng” sáng tạo, đổi mới để trục lợi?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Cần phải có “bộ lọc” cũng như quy định cấm hành vi lợi dụng đổi mới sáng tạo để trục lợi và điều này cần phải được giám sát. Cán bộ đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, không hề tư túi, lợi ích nhóm thì cần phải bảo vệ họ. Nhưng đồng thời cũng xây dựng “bộ lọc” để tránh tư tưởng lợi dụng đổi mới để hành động vì lợi ích cá nhân mà gây hại cho lợi ích tập thể, lợi ích của nhân dân. Do đó, việc xây dựng bộ lọc là rất cần thiết.
Nhưng “bộ lọc” đó cũng cần phải đổi mới, nhất là dân chủ, công khai, minh bạch, chứ đừng xây dựng “bộ lọc” mà khi cán bộ nhìn vào họ đã sợ rồi thì họ sẽ không còn tinh thần sáng tạo, dấn thân nữa. Bộ lọc đó phải rất tinh túy, để vừa ngăn chặn việc núp bóng sáng tạo để trục lợi, nhưng cũng phải khích lệ cán bộ nói chung để họ làm việc.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Kim Anh/VOV.VN