Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị được ban hành mới đây có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về việc lấy phiếu tín nhiệm.
Bên cạnh đó, quy định cũng tác động trực tiếp nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về nội dung này.
Giải quyết trường hợp "cố đấm ăn xôi"
PV: Theo ông, mục đích, yêu cầu của Quy định 96 sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với việc nâng cao tính gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên hiện nay?
Ông Nguyễn Túc: Theo dõi tình hình từ các kỳ đại hội cho thấy, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt nâng cao về phẩm chất đạo đức cũng nhiều, nhưng người thoái hóa, biến chất cũng không ít. Do đó, cán bộ lãnh đạo cần phải được giáo dục, rèn luyện để thực hiện đúng điều Bác Hồ đã dạy: Cán bộ đi trước, làng nước theo sau; đảng viên lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.
Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện nay đã khác, nếu chúng ta giải quyết không khéo mối quan hệ giữa quyền lợi cá nhân với tập thể, giữa cái tôi - cái ta không đến nơi đến chốn thì rất dễ dẫn tới sa ngã.
Tôi rất tâm đắc với cái yêu cầu của Quy định 96 để xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Thời gian qua, cán bộ cấp cao bị kỷ luật ngày càng nhiều. Do đó, sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Tổng Bí thư đặt ra cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc hơn nữa. Vì Đại hội XIII nhận định tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Tôi thấy Quy định 96 đặt ra yêu cầu cao hơn so với những quy định trước đây.
PV: Quy định 96 nêu rõ, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định... Ông đánh giá như thế nào về điểm mới này?
Ông Nguyễn Túc: Trước đây, có những người tín nhiệm thấp, Trung ương “gợi ý” nhưng không nghỉ. Còn với quy định lần này là để giải quyết những trường hợp "cố đấm ăn xôi" như vậy. Khi tín nhiệm thấp, anh nói làm sao người ta nghe, do đó cần phải đưa ra khỏi quy hoạch, xem xét cho thôi giữ chức vụ. Tôi nghĩ rằng đây là cách giải quyết kịp thời, nghiêm túc.
Trong bối cảnh hiện nay, có những lãnh đạo chủ chốt tín nhiệm không cao nhưng trong tập thể lại cả nể nhau, nên số tín nhiệm lại cao. Do đó, cần phải có cơ quan kiểm tra, giám sát việc lấy phiếu tín nhiệm ở cấp dưới, tránh tình trạng cả nể, dĩ hòa vi quý.
Tôi thấy những cán bộ bị kỷ luật vừa qua, khi xem lại thì thấy phiếu tín nhiệm của họ rất cao, thậm chí là 100%, nhưng bây giờ lại bị khai trừ ra khỏi Đảng, ra khỏi Trung ương.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh sự tự giác thì phải có sự giám sát chặt chẽ của cấp trên để phòng trường hợp dĩ hòa vi quý, nể nhau, anh giúp tôi thì tôi giúp anh. Tôi nghĩ rằng, Trung ương có quy định rồi nhưng việc giám sát hiện nay phải đến nơi đến chốn.
Chân kiềng phải vững chắc
PV: Ông có nhận định gì về tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm thể hiện bằng kết quả lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?
Ông Nguyễn Túc: Việc bổ sung và nhấn mạnh thêm về vấn đề quan hệ giữa vợ, chồng, con cái là phản ánh kết quả thực tiễn. Bởi nhiều vụ án vừa rồi đều có dính đến chuyện này. Để phòng, chống tham nhũng một cách triệt để thì đi đôi với việc rèn luyện đạo đức lối sống cũng phải có chế độ chính sách để những người cán bộ đủ sống, còn nếu chỉ hô hào thì sẽ rất khó.
Bên cạnh việc giáo dục rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên thì Đảng, Nhà nước cũng quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách để cán bộ dồn tâm sức vào để lo sự nghiệp của đất nước.
PV: So với quy định trước, Quy định 96 mở rộng phạm vi lấy phiếu tín nhiệm, mở rộng trong toàn hệ thống chính trị; các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận, đoàn thể từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Ông có bình luận gì về việc mở rộng phạm vi cán bộ đảng viên được lấy phiếu tín nhiệm?
Ông Nguyễn Túc: Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể giống như cái kiềng ba chân. Ba chân kiềng vững thì cả hệ thống chính trị mới vững. Đặc biệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, tiếng nói của người dân là rất quan trọng. Nếu lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận không có bản lĩnh chính trị thì không thể nào tiếp thu được ý kiến của dân.
Do đó, việc mở rộng phạm vi lấy phiếu tín nhiệm như vậy là rất đúng, làm sao để kiềng ba chân đó thật vững mạnh và tất cả toàn tâm toàn trí phục vụ nhân dân như Bác Hồ đã nói.
Đáng mừng là sau khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua, nếu không có sự kiên quyết, kiên trì, nhất là quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta thì công tác này rất dễ bị buông trôi. Đây là một điều rất đáng quý. Đây là chủ trương, đường lối của Đảng ta và Tổng Bí thư trong thời gian qua đã thực hiện rất xuất sắc để chúng ta có được những kết quả quan trọng hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Đình Hiếu/VOV1 (thực hiện)