Phân cấp, phân quyền hiệu quả không còn lý do để đổ lỗi cho tập thể

Phân cấp, phân quyền phải gắn quyền hạn với trách nhiệm theo tinh thần mỗi việc phải do một người chịu trách nhiệm chính và chịu trách nhiệm đến cùng.

 

Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; quy định rõ cơ chế phân cấp, uỷ quyền.

Nêu quan điểm về câu chuyện này, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, đây là yêu cầu thực tế đang đặt ra hiện nay.

Không thể đổ lỗi cho tập thể

PV: Theo ông, yêu cầu phải phân cấp phân quyền, phải gắn quyền hạn với trách nhiệm, để giải quyết câu chuyện gì trên thực tế?

Ông Vũ Văn Phúc: Yêu cầu của Trung ương nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tế là cấp nào thực hiện công việc một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, thì để cấp đó làm; cấp trên không nên ôm đồm mọi công việc, mà nên tập trung vào những vấn đề lớn, mang tầm chiến lược, vĩ mô; đồng thời phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của cấp dưới.

Nhưng phân cấp, phân quyền phải gắn quyền hạn với trách nhiệm theo tinh thần mỗi việc phải do một người chịu trách nhiệm chính và chịu trách nhiệm đến cùng. Những người khác tham gia chỉ có tính chất phối hợp. Khi kết quả thực hiện tốt, người chịu trách nhiệm chính được khen thưởng, kết quả thực hiện không tốt, người chịu trách nhiệm chính bị phê bình, xử lý kỷ luật. Phải tránh bằng được tình trạng trong thực tế từ trước tới nay là đổ lỗi cho tập thể.

PV: Nhưng phân cấp phân quyền có thể dẫn tới lạm quyền, thưa ông?

Ông Vũ Văn Phúc: Vì thế, Trung ương đã nêu rất rõ phải xây dựng một cơ chế phân cấp phân quyền hợp lý, hiệu quả nhất để tránh 2 trường hợp: thứ nhất là cấp trên ôm đồm làm tất cả mọi việc, không tin tưởng cấp dưới nên không giao nhiệm vụ; thứ hai là sợ trách nhiệm, không dám làm nên mọi việc đều giao cho cấp dưới để mình trốn tránh trách nhiệm.

Để tránh lạm quyền, cơ chế phải được xây dựng với những quy định rõ ràng, mạch lạc, công việc gì thuộc thẩm quyền của cấp trên, công việc gì giao cấp dưới, cấp trên chỉ theo dõi, quản lý, uốn nắn khi cấp dưới có biểu hiện đi chệch quỹ đạo, thực hiện không đúng nhiệm vụ. Cấp nào, người nào thực hiện nhiệm vụ gì phải có trách nhiệm đến cùng. Phải minh bạch hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng ngành.

Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng người và sau này căn cứ vào kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ ấy để đánh giá cán bộ, tức là đánh giá bằng sản phẩm cụ thể trên cơ sở vị trí việc làm, chức năng nhiệm vụ người ta được giao. Có như vậy mới thực hiện phân cấp phân quyền được hiệu quả và gắn được quyền hạn với trách nhiệm.

Chịu trách nhiệm đến cùng không thể né tránh, đùn đẩy

PV: Khi đã phân cấp phân quyền rồi chúng ta cũng sẽ phân định được sự chủ động, sáng tạo và cố ý làm trái?

Ông Vũ Văn Phúc: Mọi vấn đề đều có tính 2 mặt. Mặt thứ nhất, nếu chúng ta thực hiện đúng phân cấp phân quyền hợp lý hiệu quả như chủ trương của Trung ương, thực hiện gắn quyền hạn với trách nhiệm, mỗi người theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực thi đúng nhiệm vụ được giao, đó là mặt tích cực. Ngược lại, cũng phải có cơ chế kiểm soát việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, kiểm soát quyền lực để cán bộ không lạm dụng phân cấp phân quyền, không lạm dụng quyền hạn và trách nhiệm của mình vì lợi ích gia đình, cá nhân, lợi ích nhóm.

Thực tế nhiều vụ việc đã xảy ra, lợi dụng quy định phân cấp phân quyền ở Luật Đất đai 2013, nhiều địa phương, nhiều chủ tịch UBND thành phố trực thuộc tỉnh, trung ương đã lợi dụng phân quyền này để giao đất cho tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án này, dự án kia không đúng quy định, khiến cho quy định của luật trở nên méo mó.

Vì thế, xây dựng Luật Đất đai 2023 cần phải xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Trung ương và của chính quyền địa phương trong phân cấp phân quyền. Phân cấp phân quyền cho địa phương, bộ ngành đến đâu là hợp lý, hiệu quả; còn việc gì Quốc hội, Chính phủ phải thực hiện. Đặc biệt, không vì một số sai phạm ở một số địa phương mà dồn tất cả công việc lên trên thì Chính phủ không đủ sức để làm.

Do đó, như trên tôi đã nói, vẫn phải tuân theo nguyên tắc cấp nào, ngành nào, địa phương nào, cán bộ nào thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nhất thì giao cho cấp đó với điều kiện phải xây dựng cơ chế gắn quyền hạn với trách nhiệm, kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả nhất bằng pháp luật.

PV: Đảng ta đang khuyến khích cán bộ phát huy tính chủ động sáng tạo. Vậy yêu cầu phân cấp phân quyền có ý nghĩa thế nào với chủ trương của Đảng?

Ông Vũ Văn Phúc: Yêu cầu phân cấp phân quyền cũng là để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của cán bộ. Phân quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Tức là, người được phân quyền phải chịu trách nhiệm đến cùng với công việc được giao; không thể né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, mà phải giải trình trước Đảng, trước nhân dân về những việc chưa hoàn thành hoặc sai trái khi mình phải chịu trách nhiệm. Việc gắn quyền hạn với trách nhiệm góp phần khắc phục một thực tế hiện nay là nhiều cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm không dám làm.

Thực tế vừa rồi chúng ta đã xử lý nhiều vụ án dẫn tới tình trạng nhiều cán bộ sợ trách nhiệm không dám làm, thậm chí đã có quan điểm thà chịu kỷ luật hành chính chứ không thể ra trước vành móng ngựa. Câu chuyện này đang có dấu hiệu phổ biến trong các cấp, ngành, các địa phương.

Cùng với yêu cầu phân cấp phân quyền, phải xác định rất rõ ranh giới chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của trung ương, của bộ ngành, địa phương, của cấp trên cấp dưới trong thực thi nhiệm vụ, theo đúng tinh thần nơi nào, người nào làm việc đó tốt thì giao cho nơi đó/người đó làm và chỉ một người chịu trách nhiệm đến cùng công việc đó.

Phân cấp phân quyền đi liền với tăng cường kiểm tra, kiểm soát và giám sát quyền lực

PV: Cùng với khuyến khích cán bộ chủ động sáng tạo thì cũng cần có cơ chế để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, thưa ông?

Ông Vũ Văn Phúc: Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về nội dung này. Kết luận 14 gồm 2 vấn đề: Khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung và bảo vệ cán bộ đó nếu chẳng may không đạt hiệu quả. Như vậy, phân cấp phân quyền gắn quyền hạn với trách nhiệm là một giải pháp để thực hiện Kết luận 14, tức là khi đã phân cấp phân quyền và gắn quyền hạn với trách nhiệm nó sẽ nâng cao trách nhiệm, khả năng thực thi nhiệm vụ của cấp dưới. Và khi đã phân cấp phân quyền rồi, buộc cấp dưới, cán bộ phải đem hết tinh thần trách nhiệm của mình, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo ra để thực thi cao nhất nhiệm vụ được giao.

Trong thực tế, khi thực thi nhiệm vụ không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí có thể dẫn tới thất thoát, lãng phí. Vì thế trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu bảo vệ những cán bộ đó trên tinh thần phải xem xét động cơ của cán bộ, có trong sáng, có vì lợi ích chung không. Nếu cán bộ để xảy ra thất thoát, lãng phí nhưng động cơ hoàn toàn trong sáng, vì lợi ích chung, không tư túi, không lợi ích nhóm thì sẽ được bảo vệ bằng cách có thể không yêu cầu bồi thường, không xem xét xử lý kỷ luật trách nhiệm. Chủ trương của Trung ương trong Kết luận 14 là rất rõ, vừa khuyến khích và vừa bảo vệ xét trên động cơ, quan trọng nhất là phải xét động cơ vì lợi ích chung hay lợi ích riêng.

Tuy nhiên, qua thực tế các địa phương, bộ ngành, việc triển khai thực hiện Kết luận 14 cũng đang có khó khăn. Các địa phương, bộ ngành mong muốn Trung ương phải có hướng dẫn cụ thể, xác định rõ tiêu chí thế nào là dám nghĩ dám làm, dám đột phá sáng tạo, vì lợi ích chung và lợi dụng chủ trương này để vì lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình, lợi ích nhóm.

PV: Theo ông, tới đây để thực hiện hiệu quả yêu cầu phân cấp phân quyền cần phải chú ý những điểm gì?

Ông Vũ Văn Phúc: Thứ nhất, phải xác định rõ nhiệm vụ nào phân cho cấp nào, chứ không phân cấp phân quyền phân ồ ạt, quá phạm vi. Phải xác định rõ việc gì phải phân cấp phân quyền và dựa trên nguyên tắc cấp nào, cán bộ nào thực hiện nhiệm vụ đó một cách hiệu quả nhất, đạt kết quả tốt nhất thì phân cấp và giao cho cán bộ đó thực hiện. Khi đã phân cấp rồi thì phải giao quyền để người ta có đủ quyền hạn thực thi nhiệm vụ. Giao quyền phải gắn với trách nhiệm đến cùng khi giải quyết công việc. Tức là một việc chỉ có một người chịu trách nhiệm chính và phải chịu trách nhiệm đến cùng, không những chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ mà phải chịu trách nhiệm giải trình khi có vấn đề xảy ra.

Thứ hai, là phải gắn phân cấp phân quyền với kiểm soát quyền lực, theo chủ trương của Đảng là mọi quyền lực phải được kiểm soát. Và kiểm soát quyền lực không chỉ dừng ở chủ trương mà phải thể chế hóa thành pháp luật, tức là kiểm soát quyền lực bằng pháp luật. Gắn phân cấp phân quyền với tăng cường kiểm tra, kiểm soát và giám sát quyền lực. Trong phân cấp phân quyền, giao đầy đủ quyền lực cho người thực hiện nhiệm vụ nhưng đồng thời cũng phải có cơ chế đi cùng để cán bộ mang hết tài năng cả sức lực, trí tuệ thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt cần có cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực của người thực thi nhiệm vụ để đảm bảo rằng khi giao quyền cho cấp dưới, anh phải thực hiện đúng quyền lực được giao, không được lạm dụng, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Thanh Hà - Quỳnh Trang thực hiện 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận