Vì sao Thủ tướng chỉ đạo phải đẩy mạnh truyền thông chính sách?

Theo TS Lê Vệ Quốc, truyền thông chính sách là yêu cầu mang tính chính trị, qua đó người dân hiểu, chia sẻ và ủng hộ với chính sách.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Trước đó, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

Đề án được xây dựng nhằm mục tiêu tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Vì sao phải truyền thông chính sách?

Chia sẻ về lý do của việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, TS Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, có những đạo luật mới thông qua, chưa có hiệu lực đã phải sửa; có những dự án luật chưa ra tới nghị trường cũng đã gặp phải sự phản đối từ phía xã hội. Trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội ở nhiều diễn đàn khác nhau đều nhấn mạnh rằng, làm chính sách pháp luật phải làm từ sớm, từ xa, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo các dự luật khi được ban hành thực sự là của người dân, tức là dân làm chính sách thông qua cơ quan Nhà nước ban hành chính sách để người dân thụ hưởng quyền lợi từ các chính sách đó. Vì thế, việc truyền thông chính sách hay các thông tin pháp luật hiện nay không chỉ bắt đầu từ khi văn bản được ban hành có hiệu lực mà phải làm từ khi các cơ quan quản lý có ý tưởng về chính sách.

Nhấn mạnh câu chuyện, nếu chúng ta không làm truyền thông chính sách, chắc chắn sẽ có người làm và họ làm vì mục đích riêng, vì thế, theo TS Lê Vệ Quốc, vũ khí hữu hiệu nhất để xử lý thông tin sai lệch chính là thông tin chính thống. Nếu chúng ta có thông tin "sạch", thông tin chính thống, chúng ta làm sớm, làm quyết liệt, có chiều sâu và thực chất thì sẽ không có dư địa cho thông tin xấu độc.

TS Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp)Thực hiện truyền thông chính sách ra sao?

Từ câu chuyện thực tiễn trong thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan thông tấn báo chí với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan quản lý Nhà nước khác còn lỏng lẻo. Cho nên, từ lãnh đạo đến công chức chủ trì soạn thảo không ai muốn đưa vấn đề ra sớm quá. Còn phía cơ quan thông tấn báo chí, trong chừng mực nào đó cũng bị động, lúng túng trong câu chuyện tìm kiếm nguồn lực để thực hiện hoạt động truyền thông chính sách.

Vì thế, đề án xác định rõ, vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo và của các cơ quan thông tấn báo chí, của Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin-Truyền thông. Bộ TT-TT hàng năm phải đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp thông tin cần thiết cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên của tất cả các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến kỹ năng, trách nhiệm trong truyền thông chính sách pháp luật; Bộ Tư pháp có trách nhiệm bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật để phối hợp với PV, BTV triển khai công tác truyền thông chính sách. Các cơ quan chủ trì soạn thảo phải chủ động khi đề nghị chính sách được thông qua, lập tức phải xây dựng kế hoạch, trong đó phải có bóng dáng, vai trò của các cơ quan phối hợp; còn việc phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí nào phụ thuộc vào sự chủ động của cơ quan thông tấn báo chí.

Chia sẻ thêm về vấn đề kinh tế báo chí, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, cho biết, tại hội nghị hồi cuối tháng 11/2022 do Thủ tướng chủ trì, đã đưa ra nhiều kết luận để đẩy mạnh vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí cũng như công tác truyền thông chính sách pháp luật, trong đó có đưa ra giải pháp kể từ năm 2023, Bộ Tài chính có trách nhiệm dành ít nhất 1-2% ngân sách phục vụ cho việc truyền thông chính sách từ sớm, từ xa. Trước đó, năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 32, trong đó có việc đặt hàng các dịch vụ công, có liên quan việc đặt hàng các cơ quan thông tấn báo chí để thực hiện truyền thông chính sách pháp luật cũng như các hoạt động của cơ quan truyền thông.

“Nghiên cứu kỹ Nghị định 32 và sắp tới ngân sách sẽ dành 1-2% cho việc này, chắc chắn chúng ta sẽ có nguồn lực tương đối. Ở đây mới chỉ là nguồn lực ngân sách Nhà nước, nếu báo chí làm tốt, còn có nguồn lực của xã hội”.

Vụ trưởng Lê Vệ Quốc quả quyết như vậy, đồng thời dẫn chứng, Hội doanh nhân trẻ đã chủ động thành lập những Ban nghiên cứu chính sách phát triển, quy tụ rất nhiều doanh nghiệp. Xét ở góc độ hiệu quả của doanh nghiệp, người ta sẵn sàng bỏ ra 1 đồng để đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước cho ra 1 chính sách đúng, còn hơn sau này phải mất 2-3 đồng vì chính sách ban hành không phù hợp. Vì thế với báo chí, thời gian tới đó là cơ sở để làm truyền thông chính sách.

TS Lê Vệ Quốc khẳng định, việc đưa thông tin truyền thông chính sách pháp luật một cách chủ động trước hết là vai trò, trách nhiệm chủ trì của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan đã được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách; các cơ quan thông tấn báo chí là công cụ để thực hiện nhiệm vụ chính trị đó. Để hoạt động này thực sự hiệu quả và đặt lợi ích của người dân lên trên hết với tinh thần là rộng đường dư luận, tạo kênh phản biện cho người dân, cho xã hội đối với các dự thảo chính sách pháp luật từ sớm, từ xa, cùng với vai trò chủ trì, trách nhiệm chính là hệ thống các cơ quan Nhà nước, rất cần sự vào cuộc chủ động của các cơ quan báo chí.

Hiểu một cách chính thống, đây là yêu cầu mang tính chính trị của các cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách cũng như quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan các chính sách pháp luật, đảm bảo truyền thông rộng rãi, đưa thông tin về nội dung của dự thảo chính sách trong quá trình xây dựng dự thảo cũng như khi nội dung của chính sách, thể chế được thông qua và được ban hành đến người dân, xã hội, đến đối tượng chịu tác động, để nhận được sự chia sẻ, đồng thuận, ủng hộ, đồng hành và tuân theo của người dân và xã hội. Khi người dân thấy nội dung chính sách đó không có dấu hiệu lợi ích nhóm, cài cắm lợi ích riêng tư của ai, chắc chắn người dân sẽ đồng tình, ủng hộ và khi đã đồng tình ủng hộ, người dân sẽ tuân theo./.

Thanh Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận